Lấy tiền từ nguồn nào để trả lương cho nhân viên dọn nhà vệ sinh ở trường học?

Quét dọn nhà vệ sinh đôi khi chưa đáp ứng kịp, nhiều trường học không đủ kinh phí trả công cho người lau chùi, dọn dẹp thường xuyên mỗi ngày.

Nhà vệ sinh của học trò luôn là nỗi bận tâm của nhiều phụ huynh khi cho con đến trường. Ngại đi vệ sinh ở trường học luôn là tâm lý chung của không ít học sinh các cấp.

Có những học sinh bật mí, suốt những năm học ở trường, số lần đi vệ sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có em chia sẻ là cực chẳng đã mới bước vào khu vực vệ sinh. Có em tiết lộ, đến trường thường xuyên phải nhịn tiêu nhịn tiểu. Cũng do nhịn đi vệ sinh nên đã có lần tè hoặc bĩnh ra cả quần trong lớp.

Nhà vệ sinh ở nhiều trường học đã được đầu tư khang trang (Ảnh Đỗ Quyên)

Nhà vệ sinh ở nhiều trường học đã được đầu tư khang trang (Ảnh Đỗ Quyên)

Ai sẽ lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh cho học trò?

Khác với nhiều năm về trước, những dãy nhà vệ sinh trường học ở địa phương tôi thấp lè tè, luôn ẩm ướt, các la bô và bồn cầu của học sinh cáu bẩn…Nhưng hiện nay, nhiều trường học trong địa bàn đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp những dãy nhà vệ sinh cho học trò, khang trang, sạch đẹp hơn trước rất nhiều.

Tuy thế, khâu vệ sinh đôi khi vẫn chưa đáp ứng kịp, nguyên nhân được xác định là nhà trường không có nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh riêng cho học sinh và không có đủ kinh phí thuê người phụ trách riêng để chuyên tâm lau chùi, dọn dẹp thường xuyên mỗi ngày.

Hiện nay, mỗi trường học công lập đều có một nhân viên tạp vụ. Công việc của những nhân viên tạp vụ thường là quét dọn vệ sinh khu vực văn phòng, phòng hội đồng, gom và đổ rác trong khu vực trường, rửa ấm chén, chuẩn bị nước cho phòng hiệu trưởng, phòng hội đồng, lau dọn nhà vệ sinh giáo viên…Bấy nhiêu công việc đã chiếm khá nhiều thời gian của một nhân viên tạp vụ.

Một vị trí việc làm cần thiết là trực tiếp dọn dẹp nhà vệ sinh cho học sinh với hàng trăm cho tới hàng nghìn em ở các trường học công lập hiện nay gần như bỏ trống.

Nếu để nhân viên tạp vụ nhà trường làm luôn công việc lau chùi, quét dọn hàng chục phòng vệ sinh của học trò là điều không thể.

Để nhà vệ sinh học trò sạch sẽ, hầu như các trường học đều đang phải thuê người dọn dẹp, lau chùi hằng ngày.

Có trường học ít phòng vệ sinh, có thể bồi dưỡng thêm cho nhân viên tạp vụ kiêm nhiệm. Tuy nhiên, những trường học có số lượng học sinh khoảng 500 em trở lên đang phải thuê riêng người phụ trách lau dọn hằng ngày.

Nhà vệ sinh cần dọn nhưng lương trả nhân viên lấy từ nguồn nào?

Thường thì mỗi trường học hiện nay, có ít nhất khoảng 2 khu vệ sinh. Mỗi khu có 2 dãy phòng nam, nữ với ít nhất khoảng 10 phòng vệ sinh riêng biệt.

Ở bậc trung học phổ thông, đối tượng học sinh đã và đang ở độ tuổi từ 12 đến 18 nên việc ý thức giữ gìn nhà vệ sinh cũng cao hơn nhiều học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, ở bậc tiểu học thì công việc này vất vả hơn. Vào đầu mỗi năm học, khi học sinh lớp 1 vào trường, nhiều em còn chưa biết cách đi vệ sinh, chưa biết giữ gìn vệ sinh chung. Việc các em đi vệ sinh không đúng quy định vứt giấy vệ sinh bừa bãi, gần như ngày nào cũng xảy ra. Bởi thế, nhân viên dọn dẹp vệ sinh đã phải làm việc vô cùng vất vả.

Có nhân viên vệ sinh phản ánh: ‘Sau mỗi giờ học sinh ra chơi, vào dọn dẹp nhà vệ sinh thật là kinh khủng. Một mình phải chạy qua dọn dẹp vài ba khu vệ sinh. Có những hôm làm xong mệt lả người, về không thể nào ăn uống được”.

Công việc vất vả nhưng thù lao nhận được lại quá thấp. Do các trường học không có vị trí cho nhân viên dọn nhà vệ sinh của học trò nên ngân sách không chi trả cho vị trí này. Hiện các trường học vẫn đang áp dụng việc vận động phụ huynh ủng hộ để trả tiền thuê người làm vệ sinh.

Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 10, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, trong đó có khoản tiền “Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường”.

Vì thế, nếu nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ khoản tiền vệ sinh sẽ sai với quy định trong Thông tư 55. Nhà vệ sinh của học trò không thể một ngày vắng nhân viên dọn dẹp. Nếu không có sự ủng hộ từ cha mẹ học sinh, nhà trường sẽ lấy khoản nào để chi trả cho nhân viên quét dọn? Đây chính là câu hỏi lớn, là nổi băn khoăn lớn của rất nhiều trường học hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lay-tien-tu-nguon-nao-de-tra-luong-cho-nhan-vien-don-nha-ve-sinh-o-truong-hoc-post237880.gd