Lấy văn hóa và du lịch làm động lực phát triển

Tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề 'Phát triển xanh-Hài hòa-Bền vững' tổ chức tại Lâm Đồng ngày 20-11, một trong nhiều giải pháp phát triển được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định là: 'Phát triển văn hóa gắn với du lịch'.

Trong 36 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực. Riêng về văn hóa, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân, nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đường lối, chủ trương ấy tiếp tục phát triển và có sự đổi mới sâu sắc trên cơ sở kế thừa nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và xu thế tất yếu, khách quan của thời đại. Phát triển văn hóa đã trở thành một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với những quan điểm cốt lõi, xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngồi giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: VTT

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngồi giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: VTT

Hội nghị phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức ngay trong những ngày cả nước sôi nổi các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa 23-11, đúng 1 năm sau Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa lại càng cho thấy ý nghĩa, vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, theo hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất này.

Không chỉ sở hữu chung Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Gia Lai còn có cao nguyên Kon Hà Nừng được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo và Di chỉ khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá cùng nhiều danh lam thắng cảnh như: Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya gắn với lễ hội hoa dã quỳ, hồ thủy điện Ia Ly…; các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo, lễ hội dân gian, dân tộc đặc sắc gắn với cộng đồng các dân tộc Bahnar, Jrai… Đó là những tiềm năng vô giá mà nếu biết khai thác hiệu quả, du lịch hoàn toàn có thể phát triển thành một ngành kinh tế mạnh của tỉnh.

Văn hóa là không ranh giới. Phát triển du lịch văn hóa càng không thể thiếu tính liên kết vùng, khu vực. Những sản phẩm kết nối như: Con đường di sản, Con đường xanh Tây Nguyên được các doanh nghiệp du lịch trong vùng liên kết với các tỉnh, thành phố như Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh xây dựng trước đây, nay càng có cơ hội được phục hồi và phát triển khi hệ thống giao thông đường bộ, đường không đến Tây Nguyên đã thuận lợi hơn. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, thương mại, nông nghiệp cũng là những yếu tố tác động tích cực để du lịch văn hóa Gia Lai phát triển cùng các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các khu vực khác của miền Trung, miền Nam.

Phát triển du lịch gắn với văn hóa là thực hiện song song công tác bảo tồn với phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, thiên nhiên, làm nên bộ sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, đặc sắc, hấp dẫn du khách, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa mà còn mang lại nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Đó còn là thiết thực góp phần không nhỏ vào việc xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người; vun đắp tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, hình thành lớp người yêu văn hóa, biết trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc như một thứ vốn quý, một nguồn nội lực phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển quê hương Gia Lai ngày một mạnh giàu.

ĐÌNH CƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202211/lay-van-hoa-va-du-lich-lam-dong-luc-phat-trien-5796577/