Lấy ý kiến Bộ TN&MT về 100.000 m3 cát nhiễm mặn khai thác không phép
Theo Công ty, việc kê khai khối lượng 102.800 m3 cát nhiễm mặn là do kế toán nhầm lẫn và Công ty đã giải trình, điều chỉnh.
Ngày 5-12, liên quan đến việc khai thác không phép hơn 100.000 m3 cát nhiễm mặn, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết đã làm việc với Công ty Cổ phần Thương mại điện tử Tuấn Tâm (TP.HCM) theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo Công ty Tuấn Tâm, dự án nạo vét luồng lạch sông và duy tu luồng cửa biển La Gi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 11-2015.
UBND tỉnh cho phép thu hồi cát nhiễm mặn trong quá trình thực hiện dự án với diện tích 39,6 ha; tổng khối lượng cát nhiễm mặn được thu hồi là hơn 1,2 triệu m3 và Công ty đã nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 3,4 tỉ đồng; thời gian thu hồi đến hết ngày 17-5-2020.
Ngày 9-6-2020, UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư cho thời gian hoạt động của dự án là 100 tháng (tức đến hết ngày 17-5-2022).
Ngày 9-6-2022, UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (lần 3), điều chỉnh diện tích dự án là 30,8 ha (trừ 8,8 ha chồng lấn dự án mở rộng và nâng cấp Cảng cá La Gi), thời gian hoạt động là 124 tháng (tức đến hết ngày 17-5-2024).
Công ty đã nạo vét và thu hồi khối lượng cát nhiễm mặn từ dự án với tổng sản lượng hơn 486.000 m3 và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sản lượng cát nhiễm mặn thu hồi báo cáo cơ quan nhà nước.
Đối với việc kê khai khối lượng 102.800 m3 cát nhiễm mặn trong năm 2022 và 2024 do kế toán Công ty có nhầm lẫn và Công ty đã có báo cáo giải trình. Trong đó, sản lượng 88.000 m3 kê khai năm 2022 là sản lượng Công ty nạo vét từ tháng 7 đến tháng 9-2020 sau khi được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án nạo vét vào tháng 6-2020 và đã xuất bán.
Từ tháng 10-2020 đến nay, dự án dừng hoạt động do đang vướng mắc thủ tục hồ sơ liên quan để xin tiếp tục thu hồi cát nhiễm mặn từ dự án nạo vét trên.
Năm 2024, Công ty không thực hiện nạo vét, sản lượng 14.800 m3 kê khai năm 2024 do kế toán nhầm lẫn, Công ty đã điều chỉnh số liệu kê khai.
Theo Sở TN&MT, đối với sản lượng cát Công ty đã nạo vét và thu hồi tại dự án theo ý kiến của Công ty là hơn 486.000 m3 (có cung cấp hóa đơn xuất bán) Công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sản lượng đã báo cáo. Trường hợp qua kiểm tra có phát hiện sản lượng cát nạo vét và thu hồi khác so với số liệu trên thì Công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sản lượng phát sinh.
Về việc có hay không xử phạt vi phạm hành chính đối với khối lượng 88.000 m3 Công ty đã nộp tiền cấp quyền khai thác và khai thác từ tháng tháng 7 đến tháng 9-2020, để đảm bảo chặt chẽ, Sở TN&MT sẽ có văn bản lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết tiếp theo.
Như PLO đã đưa tin, Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xử lý hành vi khai thác khoáng sản không phép đối với 102.800 m3 cát nhiễm mặn của Công ty Tuấn Tâm và ban hành quyết định tịch thu khoáng sản khai thác không phép theo đúng quy định.
Theo Kiểm toán, Công ty Tuấn Tâm khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường từ năm 2022 đến 2024 với sản lượng khai thác cát nhiễm mặn là 102.800 m3. Tuy nhiên, theo xác nhận của UBND tỉnh Bình Thuận thì thời gian thu hồi khoáng sản tận thu cát nhiễm mặn của Công ty này đến hết ngày 17-5-2020 là chấm dứt.
Tại thời điểm kiểm toán (từ tháng 3 đến tháng 5-2024), chưa có văn bản của UBND tỉnh xác nhận gia hạn thời gian tận thu thu hồi cát nhiễm mặn trong quá trình thực hiện dự án nạo vét luồng lạch sông Dinh.
“Trường hợp UBND tỉnh không gia hạn thời gian khai thác tận thu cát nhiễm mặn, thì khối lượng khoáng sản trên sẽ phải tịch thu nộp ngân sách Nhà nước và quy đổi theo giá tính thuế tài nguyên UBND tỉnh ban hành, giá trị ước tính khoảng 12 tỉ đồng”, Kiểm toán cho biết.