Lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam
Hội thảo 'Lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo' tại khu vực phía Nam vừa được tổ chức ngày 26/4 ở TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo do Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của Cục trưởng Cục VHCS Ninh Thị Thu Hương, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập; Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Phạm Cao Thái, thành viên Ban soạn thảo, Phó Tổ trưởng Tổ biên tập; Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cùng các đại biểu đại diện Sở, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Hội thảo được tổ chức nhằm đảm bảo công tác xây dựng Dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân để việc sửa đổi, bổ sung Luật mang tính toàn diện và khả thi.
Tại Hội thảo, đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã thông tin về tiến độ và nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Cụ thể, về tiến độ: Hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung đã được Chính phủ thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023. Sau đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ đồng ý đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Về bố cục: Dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 20 điều, khoản; bổ sung 03 Điều mới); Điều 2 bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 3 về Điều khoản thi hành.
Trong Dự thảo Luật có những điểm mới như: Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện: điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông; biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài.
Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo trong đó bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Luật Quảng cáo khi được ban hành phải tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật cũng phải đồng bộ giữa các lĩnh vực liên quan từ đó giúp các cơ quan quản lý giảm bớt được những bất cập trong thực tiễn hiện nay…
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Thanh Đảo nêu ý kiến, Luật Quảng cáo sửa đổi phải đồng bộ hóa các bộ luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quảng cáo ngoài trời. Quy hoạch cần theo tiêu chuẩn chứ không nên theo vị trí địa lý. Nên đồng bộ việc cấp giấy phép quảng cáo thông qua cổng thông tin dịch vụ công, rút ngắn thời gian cấp phép quảng cáo…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trương Gia Bảo đề cập đến xu hướng quảng cáo trên mạng xã và kiến nghị cần có chế tài quản lý những cá nhân làm quảng cáo trên mạng xã hội, có khung pháp lý bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước những trang mạng xã hội xuyên biên giới.
Còn Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho rằng, Luật Quảng cáo sửa đổi phải có tính đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, phải có quy hoạch cụ thể để dễ quản lý những bảng quảng cáo tự phát không đúng quy định.
Một số ý kiến khác liên quan đến việc thực hiện quảng cáo bằng thiết bị điện tử, quảng cáo tấm lớn, quảng cáo bằng pano, đèn led… trong truyền tải nội dung quảng cáo cần được quan tâm và có các biện pháp quản lý các quảng cáo không xin phép./.