Lấy ý kiến dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi)
Chiều 31.3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi).
Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực HĐND, UBND, Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 26 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu tại hội thảo
Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh, dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng quy định về quyền bầu cử, ứng cử, là một trong các quyền chính trị cơ bản của công dân đã Hiến định. Nội dung sửa đổi lần này chủ yếu liên quan đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
"Sửa đổi Luật cần phải bảo đảm bám sát định hướng của Đảng, các nguyên tắc pháp lý, tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bám sát, thể chế hóa các nội dung theo quy định Hiến pháp sửa đổi, bổ sung và bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ. Do vậy, cần thiết phải tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm sự đồng thuận để từ đó, lựa chọn được phương án chính sách phù hợp và có tính khả thi", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu tham gia ý kiến
Thông tin một số nội dung cơ bản trong dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, dự thảo Luật dự kiến sửa 27 điều liên quan đến nội dung không tổ chức cấp huyện; sửa đổi 22 điều liên quan đến các quy định rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Bên cạnh đó, đề xuất giảm thời gian công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử.
Cùng với đó, dự thảo Luật kết hợp sửa đổi, bổ sung 6 điều, khoản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động trong 2 cuộc bầu cử gần đây có phát sinh vướng mắc, bất cập và sửa 2 điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu dự hội thảo
Ủy ban Công tác đại biểu cũng đề xuất tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi)”. Dự án Luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV để bảo đảm hoàn thành trước ngày 30.6.2025 như Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quang cảnh hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí nội dung trong dự thảo Luật. Đồng thời, tích cực tham gia, đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.