Lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm 2% thuế giá trị gia tăng về cơ bản giữ nguyên như Nghị định 15/2022/NĐ-CP nhưng có sửa đổi một số mã HS để thống nhất và thuận tiện trong áp dụng.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo tờ trình và Nghị định của Chính phủ về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất;

Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

Như vậy, các nhóm đối tượng hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT tại dự thảo Nghị định này giữ nguyên như tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng từ 1/7 tới

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng từ 1/7 tới

Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc áp dụng, Bộ Tài chính đã dự thảo các phụ lục đính kèm quy định chi tiết danh mục các hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế, phụ lục này về cơ bản cũng giữ nguyên như Nghị định 15/2022 nhưng có sửa đổi một số mã HS để thống nhất với mã HS theo danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam.

Trước đó, một trong những vướng mắc chính của việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa 15 và Nghị định 15/2022 của Chính phủ là cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế GTGT; mô tả hàng hóa tại Phụ lục kèm theo không tương ứng với mô tả tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong xác định mã HS.

Với dự thảo Nghị định và danh mục kèm theo lần này sẽ khắc phục khó khăn đó.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với với mặt hàng than khai thác bán ra, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.

Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.

Thời gian áp dụng chính sách này là 6 tháng, từ 1/7/2023 đến hết 2023.

Trước đó, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% thay vì loại trừ các nhóm ngành nêu trên.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không tán thành mở rộng phạm vi cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin… mà chỉ thực hiện như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi tháng 4 nghìn tỷ đồng. Đối với thu ngân sách nhà nước cả năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do thuế giá trị gia tăng tháng 12/2023 sẽ nộp vào tháng 1/2024.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lay-y-kien-du-thao-nghi-dinh-cua-chinh-phu-ve-giam-2-thue-gia-tri-gia-tang-post543236.antd