Lấy ý kiến học sinh về dự thảo Luật Đất đai: Tôn trọng trẻ hay bệnh hình thức?
Sau khi VietNamNet phản ánh thông tin hội nghị lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại một trường THCS, rất nhiều độc giả đã gửi bình luận bày tỏ quan điểm về vấn đề.
Chia sẻ với VietNamNet, một số độc giả cho rằng, học sinh là cũng là công dân, cần có tiếng nói với các vấn đề của xã hội.
Cụ thể, độc giả Hiếu Quân cho rằng: “Qua sự việc này đã gợi lên hai điểm cần suy nghĩ. Đầu tiên đó là việc lắng nghe, tôn trọng ý kiến của trẻ em dường như chưa được nhiều người lớn thực sự quan tâm, thậm chí coi nhẹ".
Theo độc giả này, có thể tại hội thảo góp ý, các em chưa có ý kiến thực sự xác đáng hay ở tầm vĩ mô. "Nhưng không phải chúng ta đang khuyến khích trẻ sự mạnh dạn, tự tin khi thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân hay sao? Sau này, các em sẽ dần phát triển những kĩ năng mềm, khả năng tư duy có lợi cho sự phát triển bản thân. Những khả năng đó sẽ được thể hiện ngày càng thuyết phục, hiệu quả và sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho xã hội", độc giả này phân tích.
Thứ hai, theo người đọc Hiếu Quân, việc giáo dục trẻ biết quan tâm, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân vô cùng cần thiết, nhất là khi đa số người lớn thờ ơ với điều này. Đôi khi, vô tình hay cố ý, chính người lớn vi phạm pháp luật hoặc không biết bảo vệ quyền lợi của mình với sự bảo hộ của luật pháp.
"Vì vậy khi trẻ được giáo dục điều ấy, đừng vội chê bai mà hãy vui mừng, khuyến khích, vì lúc này, trẻ đang được giáo dục về pháp luật, về ý thức thượng tôn pháp luật và sẽ trở thành những công dân mẫu mực trong tương lai”, anh nói.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng các em là đối tượng quá nhỏ để có ý kiến về Luật Đất đai nên việc lấy ý kiến này không phù hợp với tình hình thực tế, là một việc làm mang tính hình thức.
Cụ thể, trên VietNamNet, độc giả Quốc Cường chia sẻ: “Lấy ý kiến của học sinh không sai nhưng mang tính hình thức và không hiệu quả. Nếu để lấy ý kiến góp ý thật sự, đối tượng phải có độ tuổi lớn hơn vì độ tuổi đó mới đủ hiểu biết xã hội để góp những ý kiến giá trị".
Cũng theo độc giả này: "Trường hợp muốn trẻ mở mang kiến thức nên chọn những nội dung gần gũi thiết thực hơn, như Luật Giao thông, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Môi trường... Còn đây là góp ý, khó hơn chuyện học một luật nào đó, phải hiểu sâu sắc mới có thể góp ý phản biện”.
Cùng quan điểm, độc giả Đoàn Đức Trọng cho rằng: “Người lớn học thạc sĩ, tiến sĩ còn chưa thấy ý kiến, tụi nhỏ trong tuổi ăn học, chưa đủ hiểu biết để đóng góp ý kiến. Đây là biểu hiện hình thức”.
Một độc giả giấu tên cho rằng: “Việc lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai (sửa đổi) là việc làm hình thức, phí thời gian, công sức, tiền của xã hội vì trẻ chưa đủ hiểu biết, kiến thức để góp ý.
Ngay cả người trưởng thành cũng rất ít người ngồi đọc và nghiền ngẫm một tập dự thảo dày mấy trăm trang như thế. Tôi cho rằng đây là việc làm không đúng mục đích”.