Lấy ý kiến người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao: Thước đo là sự hài lòng
Sau một thời gian đầu tư xây dựng, thành phố Hà Nội có thêm 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín và Đan Phượng được thẩm tra đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị trung ương đánh giá, thẩm định, công nhận đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Hiện tại, các địa phương trên đang triển khai lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây chính là “thước đo” hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
100% các xã lấy ý kiến người dân
Những ngày này, huyện Đan Phượng đang triển khai lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh, đơn vị đã triển khai lấy ý kiến người dân tại 15/15 xã. Huyện đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn cán bộ cơ sở lấy phiếu bằng 2 hình thức, tùy theo điều kiện của từng thôn, khu dân cư: Một là, phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ ghi phiếu trả lời các câu hỏi và thu phiếu trực tiếp tại các hộ; hai là, tổ chức họp khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến đại diện các hộ gia đình. Việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân được triển khai từ ngày 12-7-2024 và kết thúc trước ngày 5-8-2024.
Việc tổ chức lấy ý kiến người dân về kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao cũng đang được huyện Thường Tín thực hiện. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu được thực hiện đối với từng hộ gia đình. Theo quy định, tỷ lệ triển khai lấy ý kiến toàn huyện phải đạt ít nhất 75% tổng số hộ dân, tương đương ít nhất là 54.947 hộ trở lên.
Chia sẻ thông tin phiếu khảo sát ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, phiếu có 10 câu hỏi. Trong đó, kết quả đánh giá từ câu số 1 đến câu số 9 phải đạt trung bình từ 95% số hộ được lấy ý kiến hài lòng, câu số 10 phải đạt từ 98% số hộ được lấy ý kiến hài lòng…
Việc lấy phiếu ý kiến sự hài lòng của người dân nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới nâng cao của các địa phương.
Phấn đấu được công nhận đạt chuẩn năm 2024
Là một trong những địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác lấy ý kiến người dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Trần Ngọc Chiến thông tin, đơn vị đã lấy ý kiến 2.363 hộ, chiếm hơn 75% tổng số hộ.
Theo đó, người dân rất hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện. Chẳng hạn, với câu hỏi số 1 liên quan đến quy hoạch, chỉ có 5 phiếu đánh giá chưa hài lòng do nhân dân đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác công khai quy hoạch để nhân dân tham gia góp ý và do địa bàn chưa có khu chăn nuôi tập trung. Câu hỏi số 2 liên quan đến giao thông, chỉ có 8 phiếu đánh giá không hài do địa bàn vẫn còn một số tuyến đường chưa được quan tâm cải tạo, còn xảy ra ngập úng cục bộ sau mưa. Câu hỏi số 3 liên quan đến thủy lợi và phòng, chống thiên tai, chỉ có 6 phiếu không hài lòng, do công tác nạo vét kênh mương chưa được thường xuyên…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 76,6 triệu đồng/người/năm…
Tương tự, huyện Thanh Oai và huyện Đan Phượng cũng đã đạt 9/9 tiêu chí quy định của huyện nông thôn mới nâng cao; có hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tiêu chí quy định hơn 50%), thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; không nợ đọng xây dựng cơ bản; không có tiêu chí bị điểm 0. Riêng huyện Đan Phượng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội xác định năm 2024 phải tăng tốc để về đích các chỉ tiêu nông thôn mới, trước một năm theo kế hoạch đề ra. Ngoài 4 huyện đã hoàn thành hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023, Hà Nội tiếp tục phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, là: Thanh Oai, Thường Tín và Đan Phượng.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7-2024, Đoàn thẩm tra nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 3 huyện trên và đánh giá các huyện đều đáp ứng đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao. Việc lấy phiếu ý kiến đánh giá của người dân là cơ sở để thành phố Hà Nội hoàn thành hồ sơ trình trung ương về đánh giá, thẩm định và công nhận 3 huyện đạt nông thôn mới nâng cao năm 2024.