Lấy ý kiến người lao động về phương án tăng tuổi hưu
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tổ chức các hội thảo, khảo sát để lấy ý kiến của người lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, chế xuất về các phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Sáng nay (2-7), Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, 6 tháng đầu năm 2019, ngành lao động đã giải quyết việc làm cho hơn 776 nghìn người, trong đó, đưa gần 67 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của quý I/2019 ước tính 2,95%; dự báo 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 4%.
Đề cập đến việc thực hiện các lĩnh vực xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, nhằm nắm bắt cụ thể tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (người có công, người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...) để có biện pháp quan tâm, hỗ trợ kịp thời;
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội; Thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ; đến nay, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.863.318 người.
Để đảm bảo đời sống cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện điều chỉnh mở rộng đối tượng hưởng chính sách và nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP...
Thông tin về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Bình cho biết, tiếp thu các ý kiến của đại biểu quốc hội về việc cần phải xem xét thấu đáo, thận trọng, đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, trong tháng 7, 8 tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức lấy ý kiến người lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, chế xuất về những nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung thỏa thuận làm thêm tối đa và những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Bên cạnh việc lấy ý kiến người lao động, cơ quan soạn thảo cũng tiến hành rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.