Lấy ý kiến nhân dân sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID

Từ ngày 6-5, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Một trong những hình thức tổ chức lấy ý kiến là cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID. Xung quanh vấn đề này,

Đại tá Nguyễn Nhật Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.

Đại tá Nguyễn Nhật Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.

Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ngày 5-5-2025, Bộ Công an có Kế hoạch số 260/KH-BCA-C06 chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và có phương án cụ thể để thực hiện kế hoạch này, theo đó đảm bảo 100% người dân được tham gia góp ý dự thảo nghị quyết.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh ban hành kế hoạch triển khai trong toàn lực lượng công an và phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tuyên truyền, chỉ đạo, vận động, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết sử dụng ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Công an tỉnh mong các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực tham gia, thể hiện quyền và nghĩa vụ trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Về lộ trình thực hiện, việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID bắt đầu từ ngày 6-5-2025 đến hết ngày 29-5-2025.

Người dân đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.

Người dân đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.

- Phóng viên: Việc sử dụng ứng dụng VNeID để lấy ý kiến nhân dân có điểm mới gì so với các hình thức góp ý truyền thống trước đây? Đối với người dân chưa quen với công nghệ hoặc không sử dụng điện thoại thông minh, Công an tỉnh có giải pháp hỗ trợ nào để đảm bảo quyền tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của công dân?

- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Việc sử dụng nền tảng số như VNeID để lấy ý kiến nhân dân có điểm mới so với các hình thức góp ý truyền thống trước đây là:

Thứ nhất, thông qua ứng dụng VNeID giúp người dân tiếp cận nhanh nhất đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó có thể dễ dàng tham gia đóng góp ý kiến mọi lúc, mọi nơi, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thứ hai, rút ngắn thời gian lấy ý kiến của nhân dân và tổng hợp, báo cáo kịp thời, chính xác, khách quan. Đối với người dân chưa quen với công nghệ hoặc không sử dụng điện thoại thông minh, tỉnh có giải pháp hỗ trợ để đảm bảo quyền tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của công dân là hỗ trợ qua điện thoại hoặc trực tiếp. Cung cấp số điện thoại của cán bộ hỗ trợ để người dân có thể gọi và được hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng ứng dụng VNeID; tạo các điểm tư vấn tại ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, nơi công cộng để người dân được thực hiện quyền góp ý của mình. Sử dụng tài liệu hướng dẫn để tuyên truyền. Tài liệu hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID dưới dạng hình ảnh, video hoặc tài liệu in với ngôn ngữ đơn giản, giúp người dân dễ hiểu và làm theo. Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội Zalo, Facebook... để tuyên truyền người dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.

- Phóng viên: Để người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng VNeID góp ý dễ dàng, thuận tiện, đồng thời đảm bảo khách quan, trung thực và đúng tinh thần dân chủ?

- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Tỉnh tuyên truyền thông qua tổ nhân dân tự quản, các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, internet... để người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin.

Việc sử dụng ứng dụng VNeID trong việc thu thập ý kiến giúp tối ưu hóa quy trình, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin của người tham gia. Việc lấy ý kiến nhân dân thông qua VNeID là bước tiến quan trọng, khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của người dân, đảm bảo tính khách quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến góp ý của người dân sẽ được tiếp thu, ghi nhận một cách đầy đủ.

- Phóng viên: Xin cảm ơn Đại tá!

TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/lay-y-kien-nhan-dan-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-tren-ung-dung-vneid-26263.html