Lấy ý kiến quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND

Nhằm gắn hoạt động giảng dạy lý luận, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục trong CAND với thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ Công an xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư quy định, công tác thực tế là việc nhà giáo các cơ sở giáo dục trong CAND đến Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức ngoài lực lượng CAND có liên quan để bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Về nội dung công tác thực tế của nhà giáo, dự thảo Thông tư quy định, nhà giáo trực tiếp tham gia các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện các quy trình công tác chuyên môn có liên quan đến chuyên ngành, môn học được giao giảng dạy. Nghiên cứu, điều tra khảo sát, thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực giảng dạy tại địa bàn thực tế để phục vụ hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học hoặc kết hợp với thực hiện nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn học viên hoạt động thực tập tốt nghiệp tại Công an các đơn vị, địa phương (nếu có). Tham gia tổng kết chuyên đề, nghiên cứu đề tài, nhiệm vụ khoa học theo kế hoạch của Bộ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục trong CAND với Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức, đơn vị ngoài lực lượng CAND.

Bộ Công an xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND.

Bộ Công an xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND.

Về thời gian đi thực tế, dự thảo Thông tư quy định, đối với người tập sự trước khi được bổ nhiệm chức danh giảng dạy đi thực tế một lần, thời gian ít nhất 4 tháng. Đối với trợ giảng, giáo viên trong thời gian đảm nhiệm chức danh phải đi thực tế ít nhất 6 tháng, thời gian mỗi lần ít nhất là 3 tháng. Đối với giảng viên, giáo viên chính trong thời gian đảm nhiệm chức danh phải đi thực tế ít nhất 8 tháng, thời gian mỗi lần ít nhất là 4 tháng.

Đối với giảng viên chính, giáo viên cao cấp phải đi thực tế 2 năm một lần, thời gian mỗi lần ít nhất là 2 tháng. Nhà giáo sau khi đã hoàn thành thời gian đi thực tế theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, nếu hết thời gian đảm nhiệm chức danh tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 50/2016/TT-BCA ngày 14 /12/ 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, thẩm quyền, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh giảng dạy ở các trường trong CAND mà chưa được bổ nhiệm chức danh giảng dạy cao hơn thì phải duy trì đi thực tế 2 năm một lần, thời gian mỗi lần ít nhất là 2 tháng. Trường hợp nhà giáo (có bằng tiến sĩ) được rút ngắn thời hạn đảm nhiệm chức danh thì thời gian đi thực tế tối thiểu trong thời hạn đảm nhiệm chức danh được giảm 1 tháng.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định những trường hợp không phải đi thực tế gồm: Nhà giáo giảng dạy toán học, vật lý, hóa học; nhà giáo có tổng thời gian công tác tại Công an đơn vị, địa phương từ 36 tháng trở lên được điều động về trường làm công tác giảng dạy hoặc hoàn thành kế hoạch luân chuyển trở về trường theo đúng chuyên môn giảng dạy không bắt buộc phải đi thực tế trong thời gian 3 năm kể từ ngày nhận công tác tại trường. Khi xét chức danh giảng dạy, nếu thời điểm xét nằm trong 3 năm đó, nhà giáo được tính là đảm bảo điều kiện về thực tế. Sau thời gian 3 năm, nếu chưa được bổ nhiệm chức danh giảng dạy cao hơn, việc đi thực tế được thực hiện lại theo quy định.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/lay-y-kien-quy-dinh-ve-cong-tac-thuc-te-cua-nha-giao-thuoc-cac-co-so-giao-duc-trong-cand-i697531/