Lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)
Sáng 24/3 tại Đà Nẵng, Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi).

Quang cảnh buổi Hội thảo
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được sửa đổi và hợp nhất năm 2015. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng góp phần tổ chức thành công 2 cuộc bầu cử là bầu cử đại biểu biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước bước vào giai đoạn mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính quyết định để đổi mới thành công là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương 02 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Do đó, việc sửa đổi các luật có liên quan, trong đó có Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành trên cơ sở thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức lại các đơn vị hành chính; kế thừa một số kết quả nghiên cứu của Đề án đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng như kết quả tổng kết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; góp phần chuẩn bị kịp thời phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến, góp ý sửa đổi một số nội dung liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện như: xác định khu vực bỏ phiếu, số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử cấp cơ sở. Sửa đổi các quy định nhằm rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử như: quy định thời điểm nộp hồ sơ ứng cử; nghiên cứu giảm thời gian công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội. Kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như: hướng dẫn chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định các hình thức vận động bầu cử theo hướng mở rộng, đa dạng hình thức hơn; nghiên cứu sửa quy định về thời gian bỏ phiếu cũng như một số quy định khác.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93180