Lấy ý kiến về quy chế Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4
Trong các ý kiến tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh quy chế về đối tượng tham gia xét tặng giải thưởng để thu hút được nhiều công trình, đề án đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.
Ngày 26-1, Sở Nội vụ TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Phan Kiều Thanh Hương khẳng định, đây là một trong các bước lấy ý kiến của các ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các hội đồng lĩnh vực xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM.
Bà Phan Kiều Thanh Hương mong muốn thông qua hội nghị ghi nhận được các ý kiến tâm huyết, góp phần đóng góp hiệu quả, nâng cao chất lượng giải thưởng, tạo ra một quy chế có tính bền vững để sử dụng lâu dài ở các lần tổ chức tiếp theo.
Tại hội nghị, đại diện Cơ quan Thường trực Giải thưởng Sáng tạo TPHCM báo cáo kết quả tổng hợp đề xuất của các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở các đề xuất, các đại biểu tham dự hội nghị tiếp tục có ý kiến góp ý. Trong đó, với đề xuất giải thưởng sáng tạo TPHCM được tổ chức 3 năm/lần thay bằng 2 năm/lần như hiện nay, có ý kiến cho rằng ngoài cố định số năm để trao giải cũng cần có những đợt trao giải đột xuất để kịp thời biểu dương các đề án, công trình sáng tạo đóng góp cho thành phố.
Ngoài ra, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong 5 lĩnh vực: phát triển kinh tế, quản lý nhà nước, truyền thông, văn học nghệ thuật và khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, đối tượng xét tặng, tiêu chí xét tặng, thành viên ban tổ chức giải thưởng, các cơ quan phụ trách các lĩnh vực của giải thưởng cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung…
Về đối tượng xét tặng giải thưởng, đa số các ý kiến góp ý tại hội nghị cho rằng cần xem xét lại đối tượng tham gia. Không nhất thiết phải quy định người nước ngoài đang lao động, học tập hay công tác tại Việt Nam mới có thể tham gia. Có thể họ không làm việc tại Việt Nam nhưng có những nghiên cứu cho thành phố, cho Việt Nam thì nên mở rộng, đón nhận họ đến để xét giải và học hỏi.
Về đề xuất các tác giả (nhóm tác giả) đạt giải thưởng được nhận giấy chứng nhận và biểu trưng giải thưởng, trong đó các tác giả (nhóm tác giả) đạt giải thưởng có mức đóng góp từ 20% trở lên được UBND TPHCM tặng bằng khen. Các ý kiến cho rằng cần tính toán lại con số phần trăm, bởi con số này rất khó xác định, đánh giá.
Các đại biểu cũng đề xuất cần có tiểu quy chế áp dụng cho từng lĩnh vực. Trong quy chế cũng cần làm rõ yếu tố định tính và định lượng để minh bạch và dễ truyền thông. Cần có website riêng về giải thưởng sáng tạo thực sự lan tỏa, dễ theo dõi. Cùng với đó, nghiên cứu kỹ về sản phẩm, công trình sáng tạo để tránh có những băn khoăn giữa sáng kiến và sáng tạo. Bổ sung nguyên tắc không thu hồi giải thưởng bởi hiệu quả đã thể hiện. Đề xuất có thêm việc truy tặng giải thưởng song song với xét tặng.
Trong từng lĩnh vực cụ thể, đại biểu đề xuất bên cạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì cần bổ sung kinh tế chia sẻ. Cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát hiện, giới thiệu các công trình tham gia giải thưởng, nhất là các công trình, đề án được phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện…
Ghi nhận và điểm lại các ý kiến góp ý tại hội nghị, bà Phan Kiều Thanh Hương khẳng định đây là chất liệu rất quý, cùng với việc tiếp tục lấy ý kiến qua nhiều kênh khác, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, xem xét, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy chế Giải thưởng Sáng tạo TPHCM để giải thưởng thực sự có chất lượng, hướng đến một giải "Nobel của TPHCM" như “đặt hàng” của đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.