Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Phát huy dân chủ, đóng góp tâm huyết

Hiến pháp là đạo luật gốc, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, cách thức tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, địa vị pháp lý của con người, công dân. Hiện nay, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là bước đi quan trọng góp phần cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Người dân phường Trung Thành (TP. Phổ Yên) đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VneID trên thiết bị di động. Ảnh: Vũ Công

Người dân phường Trung Thành (TP. Phổ Yên) đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VneID trên thiết bị di động. Ảnh: Vũ Công

Ứng dụng công nghệ để lấy ý kiến nhân dân

Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - ra đời đến nay, đã có 5 bản Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Điều đó thể hiện thực tiễn kinh tế - xã hội cùng với những nhận thức mới và yêu cầu của thời đại đòi hỏi hệ thống pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp cần có những điều chỉnh, bổ sung để theo kịp và phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân…

Những ngày này, nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Bám sát văn bản hướng dẫn của Trung ương, ngày 7/5/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Văn bản này yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ông Chu Hồng Đông, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng: Với công tác chuyển đổi số mạnh mẽ như ngày nay, nhiều cán bộ của Sở lựa chọn tham gia ý kiến qua ứng dụng VneID trên thiết bị di động. Thông qua “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013”, công tác triển khai lấy ý kiến được diễn ra nhanh, tiện lợi thể hiện tính trách nhiệm cao của cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị.

Cán bộ, viên chức Sở Xây dựng Thái Nguyên tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VneID trên thiết bị di động.

Cán bộ, viên chức Sở Xây dựng Thái Nguyên tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VneID trên thiết bị di động.

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, bà Phạm Thị Toan,Trưởng xóm Già, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) cho rằng: Đảng, Nhà nước, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ… Qua đó sẽ tổng hợp những ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều ý kiến tâm huyết

Phát biểu tại Hội nghị được HĐND tỉnh tổ chức ngày 14/5/2025 để lấy ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai, tham gia ý kiến: Tại khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền của đại biểu trong chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và người đứng đầu các cơ quan thuộc UBND. Nay dự kiến sửa đổi, đại biểu HĐND sẽ không chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng cho rằng: Mặc dù trong bản thuyết minh dự thảo Nghị quyết giải thích rằng sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ không tổ chức TAND, VKSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND, VKSND khu vực, không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Tuy nhiên chúng ta vẫn tổ chức TAND và VKSND cấp tỉnh và khu vực, do vậy để bảo đảm quyền chất vấn của đại biểu HDND một cách toàn diện và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương cần cân nhắc rất kỹ việc loại bỏ quyền của đại biểu HĐND trong chất vấn đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, được HĐND tỉnh tổ chức ngày 14/5/2025. Ảnh: V.D

Các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, được HĐND tỉnh tổ chức ngày 14/5/2025. Ảnh: V.D

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Trần Văn Khương, Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng: Quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND là cần thiết để thực hiện quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm trước cử tri địa phương. Thực tế hoạt động chất vấn đối với người đứng đầu các cơ quan tư pháp ở địa phương thời gian qua đã phát huy hiệu quả tốt, nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm sau phiên chất vấn đã được xem xét giải quyết dứt điểm, đáp ứng mong đợi của cử tri địa phương. Đặc biệt nếu phát sinh oan sai thì cơ chế cử tri phản ánh với đại biểu HĐND để thực hiện quyền chất vấn sẽ nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đối với nội dung quy định về việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan sau khi sắp xếp đơn vị hành chính (quy định tại khoản 3, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013), đồng chí Hoàng Trần Nam, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho rằng: Theo dự thảo Nghị quyết, ở cấp Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định các chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Trưởng các ban của HĐND; Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp. Đây là quy định phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước và thẩm quyền phê chuẩn các chức danh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ở địa phương, quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và nhất quán trong quy trình tổ chức, nhân sự từ Trung ương đến địa phương, tôi đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh quy định trên theo hướng: Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ là chức danh có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã của các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp… - đồng chí Hoàng Trần Nam

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đặc biệt là kiện toàn HĐND và UBND nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này, không chỉ nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Thúy Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202505/lay-y-kien-ve-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-phat-huy-dan-chu-dong-gop-tam-huyet-11b144c/