Lấy ý kiến việc tăng học phí: Tại sao có con số 72% phụ huynh 'đồng ý'?
Khảo sát của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đây cho thấy, 72% số người được khảo sát đồng ý tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023. Con số này đang khiến dư luận hoài nghi về tính xác thực của việc 'lấy ý kiến'.
Con số gây “hoài nghi”
Tại một số diễn đàn, hầu hết phụ huynh đều tỏ ra hoài nghi khi nghe kết quả khảo sát này. Chị Nguyễn Thu (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tỉ lệ 72% đồng ý tăng học phí lấy ở đâu ra? Cứ đến cổng trường giờ tan học mà hỏi phụ huynh, tôi đảm bảo 100% sẽ nói không đồng ý tăng học phí. Còn để nhà trường phát phiếu cho phụ huynh để lấy ý kiến thì kết quả sẽ khác. Nhà tôi trong Ban phụ huynh nhưng cũng kiên quyết nói không khi thầy chủ nhiệm lấy ý kiến. Lớp các con tôi chỉ 1-2 phụ huynh đồng ý, còn lại đều phản đối”.
Anh Nguyễn Thế Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, hỏi 10 người thì 9 người không ai muốn tăng học phí. Hai năm vừa qua tiền lương không tăng, mọi chi phí đắt lên, nhiều người thất nghiệp do COVID-19. Cũng theo anh Quỳnh, 2 năm qua kinh tế khó khăn hơn, trong khi tiền học phí đại học của con tăng gần gấp đôi so với các khóa học trước.
Một vị phụ huynh khác cũng cho biết: “Mặc dù thu nhập của 2 vợ chồng tôi rất tốt nhưng tôi cũng phản đối việc tăng học phí. Có đi họp phụ huynh cho con tôi mới biết được rằng: với 51 phụ huynh trong lớp của con, không phải ai cũng như ai. Thậm chí có tỉ lệ gia đình còn rất khó khăn, tiền quỹ lớp họ còn phải xin không đóng. Vậy tỉ lệ 72% đồng ý nếu áp dụng vào lớp của con tôi thì có đến 36 người không đồng ý”.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả lấy ý kiến này được thực hiện theo hình thức: các phòng giáo dục, các trường công lập thực hiện, 74.000 tham gia ý kiến là cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên các trường.
Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo nghị quyết việc tăng học phí do MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức, đã có ngay những ý kiến nghi ngờ con số này. Ông Ngô Hữu Thảo, một thành viên của MTTQ đặt vấn đề tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí là đáng “nghi ngờ”. Với ngay tỉ lệ gần 30% không đồng tình, ông Thảo nói đó cũng là một tiếng nói “cần chú ý” bởi nó cho thấy sự đồng thuận của nhân dân với việc tăng học phí có thể không cao.
Các đại biểu cũng góp ý không nên để mức thu học phí chênh lệch quá lớn giữa các vùng; tăng học phí trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch và nhiều mặt hàng đã tăng giá gây khó khăn thêm cho người dân; hỗ trợ các trường dân lập; xem xét về lâu dài miễn hoàn toàn học phí...
Phiếu khảo sát cần tập trung vào phụ huynh
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch. Để biết con số chính xác người dân đồng ý tăng học phí, những người được hỏi phải là phụ huynh có con học tại cơ sở giáo dục công lập trên cả các vùng thành thị, nông thôn, miền núi. Ở đây, tổng số phiếu dù lớn nhưng lại khảo sát nhiều đối tượng, trong đó có cả cán bộ giáo viên thì sẽ dẫn tới số liệu không chính xác.
Thực chất cơ quan khảo sát phải lấy tỉ lệ của phụ huynh, người chịu tác động trực tiếp mới chuẩn. Ông Lâm nêu rõ, nước ta đã có Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí... trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Do đó, thành phố dù lựa chọn mức trần hay mức sàn theo nghị định này thì cần thực hiện cho sát với nhân dân, đúng với tình hình thực tế.
“MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cần có những khảo sát riêng về tỉ lệ người dân đồng ý/không đồng ý tăng học phí. Cơ quan này không nên chờ các ban, ngành của thành phố. Mặc dù quy mô khảo sát có thể không lớn (như các phòng giáo dục, sở giáo dục) nhưng cần chú trọng vào các khu vực dân cư. Bên cạnh đó, cần khảo sát đúng đối tượng chịu tác động của việc tăng học phí” - ông Tùng Lâm đề xuất - “Việc khảo sát có thể chia thành hai phần. Phần thứ nhất có thể lấy ý kiến của tất cả các đối tượng trong xã hội; phần thứ hai khảo sát tập trung chủ yếu vào phụ huynh học sinh trên tất cả các địa bàn. Việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch thì mới có con số chính xác”.
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội thì cho rằng, việc quan trọng nhất là làm sao học phí phải tương đương với chất lượng giảng dạy của nhà trường. Bà đề nghị ghi rõ cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay và công bố công khai.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, nếu Hà Nội không tăng học phí trong năm 2022- 2023 thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm nữa sẽ phải tăng gấp 3 theo lộ trình. Ông Cương nêu, như TP HCM mấy năm không tăng học phí, nên mới có chuyện học phí trong năm học tới tăng 5 lần. Theo ông Cương, việc thu học phí hiện nay của Hà Nội chỉ đủ 19% cho tổng chi cho giáo dục, còn 81% Nhà nước phải chi. Việc thu học phí sẽ chi 90% trả lương cho giáo viên còn 10% chi cho các phần tái đầu tư khác.
Trước những ý kiến trên, ông Trần Thế Cương cho biết, nguyên tắc là mức thu học phí năm 2022-2023 bằng mức sàn, tức mức thu thấp nhất theo Nghị quyết của Chính phủ. Việc điều chỉnh học phí không ảnh hưởng đến người thuộc diện chính sách. Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.
HĐND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025- 2026.
Theo nội dung dự thảo, các địa bàn của thành phố Hà Nội được chia thành bốn vùng để xét thu học phí khác với trước đây thành phố chỉ chia thành ba vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi. Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4.
Dự thảo nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81 của Chính phủ. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất. Cụ thể, năm học 2022- 2023, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (vùng 3) và từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (vùng 4).
Như vậy, học phí tăng khoảng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc trung học phổ thông vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng năm 2021 lên 300.000 đồng. Dự kiến đến năm học 2025-2026, mức thu học phí vùng 1 và vùng 2 từ 380.000 đồng 1 tháng đến 650.000 đồng 1 tháng; mức thu học phí ở vùng 3 và vùng 4 từ 110.000 đồng đến 330.000 đồng 1 tháng.