LĐLĐ TP HCM kiến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân 10% của công nhân PouYuen bị mất việc
Ban thường vụ LĐLĐ TP HCM đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Công ty PouYuen Việt Nam
Sáng 4-7, trình bày tham luận tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 6, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã thay mặt Ban thường vụ LĐLĐ TP HCM đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trực tiếp là Công ty PouYuen Việt Nam (TP HCM) khi có tới 2.786 người bị nghỉ việc.
"Rất mong Chính phủ và Bộ Tài chính, Cơ quan thuế có văn bản chính thức để hướng dẫn thực hiện. Bởi nếu không, ngày 22-8 tới đây, người lao động sẽ chính thức hưởng các khoản trợ cấp nghỉ việc mà công ty chi trả. Người được chi trả trợ cấp cao nhất là hơn 300 triệu đồng, và nếu phải đóng 10% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến gia đình họ. Vì vậy rất mong Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trực tiếp là Công ty PouYuen Việt Nam (TP HCM)…"- ông Kiều Ngọc Vũ bày tỏ.
Được biết, tại phiên khai mạc hội nghị Ban chấp hành lần thứ 6 diễn ra hôm qua 3-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. (Cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở TP HCM).
Tham luận của LĐLĐ TP HCM về "Thay đổi phương thức hoạt động công đoàn trong thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19", cho thấy tại thời điểm cuối tháng 2-2020, tổ chức Công đoàn TP HCM quản lý 20.950 công đoàn cơ sở, với 1.424.600 đoàn viên /1.633.676 lao động, đồng thời qua khảo sát trên địa bàn Thành phố có 15.201 doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất, với 149.844 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguyên vật liệu, phụ liệu để gia công, bên cạnh đó thực hiện việc giãn cách xã hội, hạn chế việc tụ tập đông người do dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động.
"Trên cơ sở đó đòi hỏi hoạt động công đoàn và phong trào công nhân cần phải có nhiều chủ trương, giải pháp mới, phương thức linh hoạt phù hợp nhằm đáp ứng kịp thời với tình hình ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19 gây ra"- ông Kiều Ngọc Vũ cho biết.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung bám sát vào nội dung chủ đề năm 2020 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đó là "Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở", trên cơ sở đó các hoạt động đều được TP HCM tập trung triển khai tổ chức tại cơ sở, cùng hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở thực hiện có hiệu quả thông qua tọa đàm, hội thảo, hội thi bằng hình thức online, video clip thu hút hơn 200.000 lượt công nhân viên chức lao động tham gia, theo dõi và chia sẻ.
Về công tác tuyên truyền vận động, triển khai kế hoạch đều được thực hiện với hình thức hội nghị trực tuyến để triển khai và tuyên truyền đến từng công đoàn cơ sở và đoàn viên như: triển khai kế hoạch "Tháng công nhân" kết hợp với "Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động" năm 2020; tuyên truyền hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến của các cấp công đoàn; tổ chức tập huấn điều lệ Công đoàn Việt Nam thu hút đông đảo lực lượng công nhân viên chức lao động theo dõi.
"Chỉ đạo Báo Người Lao Động, truyền hình Công nhân - Công đoàn, phát thanh Công đoàn, các trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội của tổ chức Công đoàn thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh để đoàn viên công đoàn, người lao động nắm và thực hiện" - ông Vũ thông tin.
Cùng với đó, Công đoàn TP cũng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Thông tin, tuyên truyền về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 đối với doanh nghiệp và toàn xã hội; động viên đoàn viên, người lao động san sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thông qua các trang mạng xã hội của tổ chức Công đoàn như Facebook, Youtube… nhằm lan tỏa thông điệp đến từng đoàn viên và người lao động.
Chủ động, tích cực trong việc đề ra các giải pháp chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động được kịp thời tại cơ sở có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, công nhân giảm thu nhập và đoàn viên bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác bởi dịch bệnh Covid -19, đảm bảo theo quy định giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, với hình thức chăm lo được chia thành từng đợt trao tặng dưới 30 người, với thời gian cách nhau một tiếng để tập trung chăm lo.
"Cán bộ công đoàn trực tiếp phối hợp với các sở ngành đưa bữa cơm trưa đến nhà trọ cho công nhân bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; vận động các chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn thu tiền thuê trọ vào thời điểm các doanh nghiệp tạm dừng, thu hẹp sản xuất. góp phần động viên người lao động vượt qua khó khăn".
Công đoàn TP HCM cũng đã tổ chức tư vấn trực tuyến với chủ đề "Chính sách hỗ trợ Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" nhằm hướng dẫn, tư vấn CNVC-LĐ có thể tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và UBND TP HCM.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tập trung thực hiện công tác giám sát, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đồng hành với doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất, nâng cao năng suất lao động nhằm hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh vừa đạt mục tiêu sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Kiều Ngọc Vũ cho biết cùng với việc thay đổi phương thức hoạt động công đoàn trong thời kỳ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân TP đã đạt được kết quả rất tích cực như: Tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai kế hoạch Tháng công nhân năm 2020 với hơn 41.000 lượt người xem; tập huấn Điều lệ công đoàn với 33.295 lượt người theo dõi; đẩy mạnh việc ký kết với các đối tác cung cấp dịch vụ có giá ưu đãi, những chính sách chăm lo hỗ trợ cho CNVC-LĐ tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giảm giá từ 10% đến 40% các mặt hàng thiết yếu, nâng cao số lượng CĐCS thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp đạt 57,63% (10.187 /17.675).
Tổ chức thành công hội thi online "An toàn vệ sinh viên giỏi" cấp TP trên trang thông tin điện tử của Báo Người Lao Động, thu hút 50.274 thí sinh, với 105.000 lượt thí sinh là đoàn viên công đoàn, người lao động của các Công đoàn cơ sở trực thuộc hệ thống Công đoàn TP tham gia.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 nhưng công đoàn TP HCM vẫn thành lập 222 CĐCS theo phương pháp mới, phát triển 62.236 đoàn viên/ 116.000 chỉ tiêu phấn đấu, đạt tỷ lệ 53,65%, hiện đang quản lý 20.555 CĐCS với 1.395.171 đoàn viên/1.610.917 (giảm 296 CĐCS, giảm 28.660 đoàn viên so với số lượng cuối năm 2019), trong đó thực hiện mô hình tập hợp người lao động ở khu vực phi kết cấu vào nghiệp đoàn theo từng ngành nghề đã phát triển mới 13 nghiệp đoàn giúp việc nhà, rác dân lập, xe ôm công nghệ, thức ăn đường phố, xây dựng và nhóm giữ trẻ tư thục với 564 đoàn viên.
Tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác bởi dịch bệnh Covid -19, đã chăm lo cho 19.137 đoàn viên Công đoàn, người lao động, mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng với tổng số tiền chăm lo 22,964 tỉ đồng, vận động chủ nhà trọ giảm giá cho thuê với 57.606 phòng trọ và vận động được 200 phòng trọ miễn thu tiền thuê trọ cho công nhân.