LĐLĐ TPHCM đề nghị quan tâm hơn tới lao động ở khu vực phi chính thức
Được vinh dự trình bày tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đại diện cho đoàn đại biểu TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung đề nghị tổ chức công đoàn cần quan tâm tới lao động ở khu vực phi chính thức, thành lập nhiều nghiệp đoàn để hỗ trợ đoàn viên ở khu vực nhiều rủi ro về việc làm và đời sống.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung cho biết, Liên đoàn Lao động TPHCM hiện đang quản lý gần 20.000 công đoàn cơ sở với 1,4 triệu đoàn viên, trong đó, khu vực ngoài nhà nước có hơn 16.000 công đoàn cơ sở (CĐCS) với khoảng 1,1 triệu đoàn viên.
Nhiệm kỳ vừa qua chứng kiến nhiều biến động phức tạp của tình hình, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là đại dịch Covid-19, một số lượng lớn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, điều chỉnh phương án sản xuất, cắt giảm lao động; tất cả làm thay đổi sâu sắc nhận thức, phương thức quản trị, cách thức tổ chức sản xuất, việc làm, lao động và quan hệ lao động.
Bối cảnh đó đặt ra thách thức rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức công đoàn. Bằng nhiều giải pháp chủ động, sát hợp tình hình, thấu cảm, chia sẻ với khó khăn của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, việc duy trì, tiếp tục tập hợp, chăm lo và phát triển lực lượng được công đoàn thành phố tập trung thực hiện.
Bên cạnh hiệu quả tập hợp, chăm lo đoàn viên, lao động khu vực chính thức, công tác tuyên truyền, vận động người lao động khu vực phi chính thức đã đạt một số kết quả bước đầu quan trọng.
Đến hết quý 3-2023, lao động có việc làm phi chính thức ở nước ta chiếm đến 3/5 tổng số lao động với số lượng khoảng 33,4 triệu người. Tại TPHCM, khu vực lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ gần 48% với khoảng 2,3 triệu người. Trong khó khăn về việc làm, các loại hình lao động phi chính thức với môi trường lao động tương đối tự do, không bị ràng buộc về không gian, thời gian, không đòi hỏi về tiêu chuẩn nghề nghiệp, đang thu hút ngày càng nhiều người lao động tham gia, kể cả sinh viên mới ra trường chưa tìm được việc làm.
Đặc điểm của lao động phi chính thức là tính chất công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, hạn chế các quyền về lao động, đảm bảo an toàn lao động, môi trường làm việc, thất thế trong giải quyết tranh chấp lao động; thiếu sự đảm bảo của hệ thống an sinh xã hội.
“Có thể nói, lao động phi chính thức là khu vực yếu thế, gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, trong khi họ đang là lực lượng giải quyết có hiệu quả nhu cầu về nhiều mặt của đời sống dân sinh, đặc biệt là tại các đô thị”, ông Trần Đoàn Trung chia sẻ.
Theo đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động TPHCM, nhiệm kỳ vừa qua, nhất quán phương châm “nơi đâu có người lao động, nơi đó có tổ chức công đoàn”, bằng nhiều giải pháp thí điểm, các cấp công đoàn đã có nhiều cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức.
Đến nay, TPHCM đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề. Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn, song đó là những cố gắng bền bỉ, là những thử nghiệm quan trọng nhằm đề xuất chính sách, tìm kiếm giải pháp cho công tác vận động, tập hợp đối với khu vực này trong thời gian tới.
Các cấp công đoàn thành phố đã tập trung tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với người lao động theo ngành nghề ở từng địa bàn; tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn. Công đoàn cấp trên cơ sở đã sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả như tận dụng các thiết chế có sẵn tại địa phương làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt, xây dựng tài liệu, cẩm nang, biểu mẫu, thành lập các nhóm thông tin mạng xã hội, hỗ trợ về kinh phí nhằm tạo điều kiện hoạt động ban đầu cho các nghiệp đoàn.
Công tác chăm lo đời sống đoàn viên được triển khai thường xuyên, liên tục, nhất là vào các đợt cao điểm như tết, tháng công nhân, hướng dẫn thủ tục cho đoàn viên nghiệp đoàn tham gia bảo hiểm y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ trang phục bảo hộ cho đoàn viên nghiệp đoàn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục được lồng ghép triển khai chủ yếu theo phương thức tiếp xúc trực tiếp, lựa chọn nội dung phù hợp, tập trung vào những hiểu biết cơ bản về pháp luật, chủ trương, chính sách, thông tin cảnh báo và biện pháp phòng tránh rủi ro, kỹ năng lao động.
“Kết quả đáng khích lệ là lần đầu tiên, có một nghiệp đoàn cơ sở tổ chức thành công đại hội, và tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, có một đại biểu là chủ tịch nghiệp đoàn đại diện cho khu vực lao động phi chính thức tham gia đoàn đại biểu của Công đoàn Thành phố”, ông Trung cho biết thêm.
Nhận thức việc hình thành các nghiệp đoàn trước là phát huy tinh thần tương thân tương ái nghề nghiệp, khi gặp khó khăn, kế đến là để người lao động có chỗ dựa, từng bước tham gia vào các hoạt động có tổ chức, ông Trần Đoàn Trung cho biết, các cấp công đoàn thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, địa điểm sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng để các nghiệp đoàn hoạt động nền nếp, hiệu quả.
Vận động, phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nơi gặp gỡ, sinh hoạt của đoàn viên nghiệp đoàn; thí điểm xây dựng các trạm dừng nghỉ kết hợp thông tin tuyên truyền dành cho tài xế xe công nghệ.
Tiếp tục triển khai mạnh hơn các hoạt động hỗ trợ như trao phương tiện sinh kế, tặng bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng phòng vệ. Tiếp nhận, thực hiện ủy quyền bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên nghiệp đoàn trong các tranh chấp lao động.
Khẳng định khu vực lao động phi chính thức ở nước ta vẫn sẽ là nơi có thể giúp giải quyết một phần lớn vấn đề việc làm và các dịch vụ xã hội, Liên đoàn Lao động TPHCM đề nghị cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó, quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc.
Tạo cơ chế, xây dựng chính sách hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, có thể vượt qua những biến cố ngặt nghèo mà đại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng thực tế.
Tổ chức công đoàn cần có sự đổi mới thực chất tổ chức và hoạt động, linh hoạt hơn trong tổ chức và sử dụng tài chính công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận, vận động, tập hợp người lao động, đặc biệt là khu vực phi chính thức.