Lê Anh Hoài: Sông hai dòng chảy

Người khen kẻ chê đủ cả, Lê Anh Hoài vẫn thản nhiên và bình tâm lách qua những lối hẹp săm soi để đi tìm mình, chiêm nghiệm mình...

Cách đây lâu lâu, khi tôi còn đang tập tọe viết, Lê Anh Hoài đã mở một lối đi đa phong cách, văn, thơ, họa… đủ cả. Nói đúng hơn anh là một nghệ sĩ đa năng, mà bạn bè hay gọi trêu là “Nhà liền kề”. Hôm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam có event (sự kiện), Hoài đến chơi với tư cách bạn bè, quần bò áo bò, tự tin giữa đám đông lạ, lưa thưa vài câu thơ đọc vội… Tôi nghe mấy người bạn báo rỉ tai, “ông này vừa làm một cuộc dị lắm!”. Đó là cuộc trình diễn hình thể có một không hai nơi “sân khấu” của chính anh, biến mình thành chiếc cột điện dán quảng cáo bán nhà, xe ôm… Người khen kẻ chê đủ cả, anh vẫn thản nhiên và bình tâm lách qua những lối hẹp săm soi để đi tìm mình, chiêm nghiệm mình, mang mình ra hy sinh cho chính những vật lộn sáng tạo… Nhiều bạn bè kêu anh là Hoài “cột điện” chính từ hành vi nghệ thuật dị biệt đó.

Tác giả Lê Anh Hoài

Tác giả Lê Anh Hoài

Hoài dị. Rõ rồi. Dị biệt trong nghệ thuật nhưng không lập dị khó coi, tôi còn thấy Hoài dung dị. Dị trong sáng tạo còn tối giản nhẹ thênh ngoài đời, áo buông, quần hộp, dép cao su, cười cười nói nói nhẹ nhàng, ấm áp, bạn bè xúm xít, đàn hát vô tư… Trong cuộc vui bạn bè, Hoài nói năng vừa đủ, không quá tán dương, ve vuốt, cũng không chọc ghẹo khó chịu bề trên. Anh hòa đồng nhanh với cả đàn anh lẫn đàn em nên bất cứ cuộc vui nào, có anh là vui thêm, vui dài khó dứt. Lê Anh Hoài ít “chém” nhưng đọc vị nhanh, không bắn thì thôi, bắn là viên đạn từ ngữ đều đi trúng đích.

Hoài sắc sảo trong những góc nhìn, nhận định, trong tiểu thuyết, thơ và cả vẽ. Trông lúc nào cũng sù sù một khối riêng khó lẫn. Với tiểu thuyết, Lê Anh Hoài sục vào thế giới của văn nghệ sĩ với những xung đột, bóc ra những vỏ bọc phù phiếm, kệch cỡm. Và viết kiểu gì thì những bộ mặt khác nhau của giới nghệ thuật bi hài đủ kiểu cũng hiện lên độc đáo dưới ngòi bút Lê Anh Hoài. Giọng đó, anh tự nhận “không hằn học mà chỉ giễu nhại”.

Thơ Hoài có sự xếp đặt của từ ngữ - nó cũng như một dạng “Pơ phom mần” khi lâu lâu rồi anh hiến thân cho những thử nghiệm. Thì bây giờ, chữ đó, từ kia được xếp lại nói hộ anh một cơn đau, một giằng xé, một phẫn nộ… Thơ anh không chịu bó lại trong không gian chật hẹp của niêm luật, anh muốn chữ nghĩa bung nở, ngay cả từ tập trong trẻo nhất cách đây hơn 20 năm: “Những giấc mơ bên đường” anh ký tặng tôi dòng khác lạ: “… tập thơ sót lại…” cũng đã cho thấy những chỉ dấu của sự phá cách. Tập thơ xuất bản 1999 như những nhát cọ vẽ nhanh còn vài chập chững thì tập sau này - năm 2012 - dịch sang chữ Nôm và vài ngữ dân tộc thiểu số, đã thấy thấp thoáng lối sơn dầu đậm bút pháp. Thơ anh có những nghịch lý, những chao chát được - mất, những đổ vỡ hằn xót. Cũng vì sự khác biệt nên thơ Hoài nhận được sự đồng điệu từ nhạc sĩ cũng dị biệt Ngọc Đại, thành cặp bài trùng thơ nhạc đáng gờm. Lê Anh Hoài không muốn thơ mình trôi theo một chiều êm ả mà phải:

Thơ tôi như ý nghĩ của người điên

những con chim đêm bay qua không tiếng

những ánh trăng suông tỏa không tiếng

những ký ức em không tiếng…

Anh có những câu không dễ đoán định ý tứ, đang đọc xuôi xuôi, anh thòng tưng tửng một câu đầy bất ngờ nhưng thú vị, kiểu như mấy câu kết trong “Hội An”:

Trong không gian thánh thiện

dịu dàng của Niết Bàn

tôi thấy Đức Phật đi trong chợ.

Những tác phẩm của Lê Anh Hoài.

Những tác phẩm của Lê Anh Hoài.

Gần đây, Lê Anh Hoài ít trình diễn, thời gian tập trung nhiều vào làm báo, viết báo, vẽ tranh khổ nhỏ và tiếp tục tìm tòi lối đi cho thơ. Tờ Tiền Phong Chủ nhật anh phụ trách là một trong số ít tờ không chuyên văn nghệ mà có trang văn nghệ “oách”. Tranh khổ nhỏ anh vẽ lên giấy báo, bìa tạp chí…, nhỏ mà sức công phá lớn, những ý niệm ẩn trong những hình hài màu sắc rất “Hoài”, trầm trầm âm âm nhưng không não nề.

Phía sau hình khối và sắc màu khó nhìn, hằn sâu những điều anh không ưa thốt lên như những họa sĩ “quảng trường” vẫn hay tuyên ngôn. Những sắc màu đường nét không vẽ ra để ve vuốt mắt nhìn mà luôn gằn một ẩn ý, một thái độ, như gần đây anh tung hàng loạt cụm tranh nhỏ lấy tên “Phụ bản 1, 2, 3…”. Thơ thì xộc thẳng vào những câu chuyện thời sự, những chủ đề thời cuộc nóng nhưng không quá lệ vào kiểu ký sự thơ mà như để nói một chuyện khác.

Ngoài viết văn, làm báo, Lê Anh Hoài còn đam mê nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art.

Ngoài viết văn, làm báo, Lê Anh Hoài còn đam mê nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art.

Lê Anh Hoài luôn có sự tỉnh táo của dân báo. Sắc sảo nhưng không bốc đồng. Hoài làm gì cũng “thẩm tra” kĩ nguồn đề tài, chất liệu, góc nhìn để tung ra những sản phẩm đủ hàm lượng lý trí và cảm xúc. Nhưng khi là nghệ sĩ, Hoài lại lên đồng, lúc vứt bỏ tòa soạn ào vào xưởng vẽ khỏa thân; khi xách toan, bút chui vào viện tâm thần cùng vẽ với bệnh nhân những bức vẽ ảm ảnh. Rồi một mình sang tận Cu Ba chơi với đội văn nghệ sĩ bên đó để khi trở lại nhà vẫn chưa hết ngạc nhiên về xứ sở của Rum và Cigar, còn nghèo, kinh tế bao cấp mà sự tự do sáng tác thì đáng để nhiều quốc gia ghen tị. Rồi anh mang nguyên vẻ xù xì lên giảng đường “gõ đầu” sinh viên văn khoa, báo chí truyền cho các em tình yêu văn chương, nghệ thuật… Đó là những lúc anh như được trở về những ngày tràn năng lượng tỏ bày trong những dự án trình diễn.

Giờ thì điềm đạm hơn, trấn tĩnh hơn, mọi thứ lạ đó xoắn xuýt vào cách kể mới cho thơ, cho họa nhưng vẫn không quên nao nao dòng thơ cũ. Và cứ thế, đa dạng trong thống nhất, Lê Anh Hoài vẫn trôi trên cùng một con sông hai dòng chảy, kể cả những lúc sau văn, thơ, họa, anh “ngoan ngoãn” lắng nghe từng tâm tư, khúc mắc để “gỡ rối tơ lòng” cho độc giả Tiền Phong với một nick không thể dị hơn: Mr. Bupbe.

TRẦN NHẬT MINH

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/le-anh-hoai-song-hai-dong-chay-a650244.html