Lê Cảnh Nhạc: Nhà thơ đi về phía mặt trời

Đa tài, hồn hậu và trầm lặng, dường như nhà thơ Lê Cảnh Nhạc muốn để các tác phẩm thay mình cất lên tiếng nói. Ông là tác giả thơ của gần 150 ca khúc, trong đó có những tráng thơ lộng gió Phú Yên.

Đồ họa: PHƯƠNG TRÀ

Đồ họa: PHƯƠNG TRÀ

GIÓ HÁT

Vỗ sóng mặt trời gió hát bình minh

Gió vọng ngàn năm một thời mở cõi

Hồn gió nam cồ, nam non, nam mái

Lồng lộng giữa trời lời Thạch Bi Sơn...

Gió cực Đông mài linh khí nghinh phong

Gió cực Đông trùng trùng trên ngọn sóng

Gió cực Đông mặn mòi và nóng bỏng

Hát khúc bình minh, gọi nắng xuân về...

Đây là những câu trong Gió hát bình minh - một tráng thơ về Phú Yên của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Theo đề nghị của nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông hào hứng viết Gió hát bình minh trong hai ngày đầu trở lại Phú Yên tham gia Trại sáng tác Văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, để rồi ngay sau đó tác giả Miền xa thẳm, Ngược dòng Hương giang... hòa giai điệu thành tráng ca. Gió hát bình minh là hợp xướng khép lại chương trình nghệ thuật Gió cực Đông của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024. Chương trình nghệ thuật được trao HCB toàn đoàn.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc kể rằng ông “đến” với Phú Yên cách đây hơn 10 năm, từ cuộc gọi của nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển khi đó nói rằng ông rất thích Tình của biển - ca khúc do nhà thơ Lê Cảnh Nhạc sáng tác lời, nhạc sĩ Đặng An Nguyên (khi đó là Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam) phổ nhạc ngay sau chuyến đi thâm nhập thực tế sáng tác về quân chủng Hải quân ở Hải Phòng. Đây cũng là nhạc phẩm cuối cùng của cố nhạc sĩ Đặng An Nguyên.

Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc “xin” Tình của biển để nhà hát biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tham gia liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Tình bạn của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc bắt nguồn từ đó. Và rồi họ có một tác phẩm chung: ca khúc Bình minh miền cực Đông (còn có tên khác là Lung linh Mũi Điện).

Dịp đó, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đến Phú Yên công tác trên cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội. Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc đưa nhà thơ tham quan Mũi Điện và một số nơi trên xứ hoa vàng cỏ xanh. Biết Sao Biển đang xây dựng chương trình nghệ thuật, chủ đề “Về miền cực Đông”, nhà thơ sáng tác bài thơ Bình minh miền cực Đông; nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc phổ nhạc thành ca khúc mang âm hưởng tuồng và những điệu hò của cư dân miền biển. Năm 2019, Bình minh miền cực Đông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải A.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc viết về Phú Yên bằng cảm xúc, cảm nhận sâu sắc về mảnh đất, con người nơi đây, như thể ông từng gắn bó với mảnh đất này. Những Cát, Mắt biển, Gió và mẹ... ra đời, đều để lại dấu ấn. Ông chia sẻ: “Cảm xúc trước thiên nhiên được nhân lên từ cảm xúc với con người, với những người bạn. Tôi viết về gió, về cát... cũng là viết về người Phú Yên. Tôi muốn gửi gắm vào tác phẩm những tình cảm của mình với đất và người Phú Yên. Nếu không có những cuộc gặp gỡ với các bạn Phú Yên thì khó có nhiều cảm xúc. Hồn cốt của một vùng đất phải được ươm mầm từ những cảm xúc, tình cảm với con người”.

Ca khúc

Ca khúc

Gió hát bình minh

NHÀ THƠ ĐA TÀI

Lê Cảnh Nhạc là người đa tài. Ông viết báo, làm báo, sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch bản chương trình nghệ thuật... Lĩnh vực nào ông cũng có những “vụ mùa” rực rỡ, trong đó phải kể đến giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn năm 1990-1991, Giải báo chí toàn quốc năm 1994, 2 lần đoạt giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật - Báo chí 5 năm của Bộ Quốc phòng (2009-2014 và 2015-2020), giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024...

Những chương trình nghệ thuật do ông xây dựng kịch bản đã thắng lớn tại các liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Song cái tên Lê Cảnh Nhạc luôn gắn với những bài thơ giàu hình ảnh, giàu tính nhạc, đã được giai điệu của các nhạc sĩ “hòa âm”.

Ông là tác giả thơ của gần 150 ca khúc, hợp xướng, trong đó có những bản tráng ca, tình ca chạm đến trái tim người yêu nhạc: Linh thiêng Đồng Lộc, Những bông hoa hỏa tuyến, Mơ về Hà Nội... (nhạc sĩ Đức Trịnh phổ nhạc), Cát (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc), Non nước đàn trời (nhạc sĩ Xuân Phương phổ nhạc), Đôi bờ ví giặm (nhạc sĩ Quốc Nam phổ nhạc)...

“Tôi viết theo cảm xúc của mình. Ban đầu, một số nhạc sĩ đọc và đồng cảm nên phổ nhạc. Sau này, các nhạc sĩ hợp tác với tôi để cùng sáng tác ca khúc”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc chia sẻ.

Những ai từng gặp nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đều cảm nhận ông hồn hậu, khiêm tốn và trầm lặng. Dường như ông muốn để các tác phẩm thay mình cất lên tiếng nói.

Là một thi sĩ tài hoa song Lê Cảnh Nhạc có cốt cách của một nhà giáo. Cũng phải thôi. Ông từng là giáo viên, sau đó được cử sang Liên Xô (cũ) du học. Ông có bằng tiến sĩ Tâm lý học giáo dục, từng làm quản lý nhưng trên tất cả, ông là một người cầm bút dồi dào năng lượng sáng tạo, dễ rung cảm trước những vẻ đẹp trong đời sống và mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp qua trang viết của mình. Sự nghiêm ngắn, chỉn chu của một nhà giáo hòa trong phẩm chất thi sĩ.

Ông thổ lộ: “Điều quan trọng nhất của nhà thơ vẫn là trang viết. Tôi không thể viết lung tung, không thể dùng ngôn từ phản cảm. Tôi không nghĩ đấy là thơ; đấy là những cái làm cho thơ tổn thương. Có những người trông rất “bụi bặm” nhưng họ viết rất nghiêm ngắn. Trang viết không phụ thuộc vào gương mặt, vào thói quen hằng ngày mà được đúc kết, chưng cất từ trong tính cách con người”.

Nhà thơ - TS Lê Cảnh Nhạc (bút danh La Giang) sinh năm 1957, quê ở Đức Bồng (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), sống tại Hà Nội. Ông đã in các tập truyện:

Người học trò thứ 31

(1990),

Nỗi oan của Đốm

(1992),

Lâu đài

(1999),

Lời ru không bán

(2000); tập ký

Mầm ác và hướng thiện

(1994); các tập thơ

Khúc giao mùa

(2005),

Không bao giờ trăng khuyết

(2010),

Non nước đàn trời, Khúc thiên thai

(2015),

Đi về phía mặt trời

(2024)... và 2 tập ca khúc

Duyên tình thơ nhạc

(2024), giới thiệu gần 130 ca khúc mà ông là tác giả thơ, trong đó có 66 ca khúc là kết quả sự đồng hành sáng tạo của ông với nhạc sĩ Đức Trịnh.

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325352/le-canh-nhac--nha-tho-di-ve-phia-mat-troi.html