Lễ công bố xã Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024
Sáng 27/10, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Thành (huyện Yên Mô) tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2024. Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tới dự.
Cùng dự có đại biểu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Mô; đại diện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thành phố Tam Điệp; cùng đông đảo nhân dân trong xã và con em xa quê hương.Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào năm 2011, xã Yên Thành có xuất phát điểm rất thấp. Là một xã miền núi nghèo trọng điểm của tỉnh và thuộc tốp xã khó khăn nhất của huyện, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao (17,35%), thu nhập bình quân chỉ đạt 17,7 triệu đồng/người/năm. Sau 8 năm cố gắng, đến năm 2019, xã Yên Thành đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Sau khi xã Yên Thành đạt chuẩn NTM, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2024. Trong 4 năm xây dựng NTM nâng cao, xã Yên Thành đã huy động được 245,3 tỷ đồng, trong đó, vốn xã hội hóa từ nhân dân gần 30 tỷ đồng.Xác định tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy” trong xây dựng NTM nâng cao, xã Yên Thành đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển nông nghiệp và làng nghề truyền thống.Hiện, xã đang có 2 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tổ chức phân vùng sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao như: mô hình lúa hữu cơ, cây 4 vụ, nuôi dê núi, đặc sản khoai lang, ổi,…; giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác năm 2024 đạt 152 triệu đồng/ha/năm.Với lĩnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, nhiều ngành nghề được duy trì và phát triển như: nghề mộc, nề, cơ khí, đan bèo tây, kinh doanh tạp hóa... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.Đặc biệt, xã đã khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề gốm Bồ Bát - là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay, hiện có 4 sản phẩm gốm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, phấn đấu xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao.Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 0,84% (giảm 1,86% so với năm 2019); thu nhập bình quân đạt 72,33 triệu đồng/người/năm (tăng 28,8 triệu đồng so với năm 2019).Từ vùng đất đặc biệt khó khăn, nông thôn Yên Thành hôm nay đã thực sự khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp trong từng thôn, xóm.Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Cao Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Mô đã chúc mừng và ghi nhận sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Yên Thành trong xây dựng NTM nâng cao.Đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng đề nghị địa phương cần tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện, giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo cho người dân thực sự được thụ hưởng những thành quả của NTM nâng cao và hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu.Đề nghị Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra những giải pháp cụ thể duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Chú trọng mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu cây con đặc sản Yên Thành.Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Yên Thành cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát. Những giá trị này hiện đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và tạo cơ sở cho việc xây dựng tuyến du lịch văn hóa, sinh thái vùng phía nam huyện Yên Mô, góp phần bảo tồn nghề gốm cổ, phát triển du lịch bền vững, tăng giá trị nghề truyền thống và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng môi trường sống, phát động và duy trì các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo xã luôn xanh - sạch - đẹp. Tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, văn hóa quần chúng. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời chú trọng phát triển giáo dục, y tế nhằm cải thiện toàn diện chất lượng sống của người dân.