Lễ cúng cầu mưa của người xưa

Cùng với việc tận dụng nguồn nước từ các dòng sông, con suối, người xưa ở khắp miền đồng bằng đến vùng sơn cước còn trông vào nước mưa. Bởi vậy, nhiều nơi làm lễ cúng cầu mưa khi nắng hạn.

Theo "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn", năm 1805, vua Gia Long quy định địa phương nào hạn hán, lúa ngoài đồng khô héo, quan địa phương đều phải cầu mưa trong ba ngày đêm với số tiền được cấp 6 quan 4 tiền 54 đồng. Lễ phẩm gồm nến sáp, đèn dầu, hương, rượu, trầu cau, giấy vàng bạc. Dưới triều vua Minh Mạng, nhiều đền, miếu thờ các thần liên quan đến mưa như thần mưa, thần gió, thần Nam Hải Long Vương, thần mây, thần sấm... Năm 1929, vua Minh Mạng quy định, cứ 10 ngày ít mưa, các địa phương tự lập đàn hoặc đến các đền thiêng thành kính cầu mưa một lần, mỗi lần cầu 3 ngày đêm. Nếu chưa có mưa, thì 2 ngày sau lại làm lễ tế lần nữa ở đền, miếu khác. Lần thứ ba thì phải dừng lại và tấu trình lên.

Cơ quan giám sát lượng mưa là Khâm Thiên Giám. Để đo lượng mưa, quan thần giám đặt một thùng gỗ vuông, các mặt đều một thước để hứng nước mưa tích tụ theo giờ mỗi ngày. "Châu bản Triều Nguyễn", tập I ghi rằng: “Vào ngày 26/7 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), giờ Mão tích được 1 phân, giờ Tỵ tích được 2 phân, giờ Tuất tích tụ 3 phân, tổng cộng được 6 phân. Nước thấm vào đất khô được 1 tấc 8 phân”.

Lễ cúng cầu mưa của dân tộc Hrê, ở xã Ba Thành (Ba Tơ).

Lễ cúng cầu mưa của dân tộc Hrê, ở xã Ba Thành (Ba Tơ).

Từ tháng 3 đến tháng 12/1824, khắp vùng Trung Bộ, các quan địa phương Trần Bá Kiên - Ký lục doanh Quảng Trị, Đỗ Hồng Quý - Doanh thần Quảng Bình, Nguyễn Văn Xuân - Trấn thủ Nghệ An, Trương Văn Chính - Trấn thủ trấn Phú Yên, Nguyễn Văn Quế - trấn thủ Bình Định... đều thành kính làm lễ cúng cầu mưa tại miếu Hội Đồng và các đền thiêng.

Đầu tháng 7/1824, trấn thủ Trần Văn Dưỡng đã tấu lên bộ Lễ về tình hình thời tiết khô hạn ở trấn Quảng Ngãi: “...huyện Bình Sơn thượng tuần tháng này không mưa, hai huyện Chương Nghĩa, Mộ Hoa trung tuần tháng này không mưa... Chúng thần sợ hãi cùng nhau bàn bạc, lấy ngày 28 tháng này, thần là Trần Văn Dưỡng thân hành đến miếu Hội Đồng cầu đảo, xin cho được mưa”. Ngoài miếu Hội Đồng, nghi lễ cầu mưa được thực hiện tại ngôi đền thiêng thờ Trấn Quận công Bùi Tá Hán tại xã Thu Bồ, huyện Chương Nghĩa (nay là Di tích Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi). Sau khi có mưa, triều đình và nhân dân làm lễ tạ ơn.

Xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi và vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thờ cúng thần Mặt trời, thần đất, thần sấm, thần mưa, thần lúa... Ông Hồ Ngọc An (66 tuổi), ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết, thần Mo Huýt (nữ thần Lúa) được dân tộc Cor coi trọng nhất. Ngoài lễ hội điện Trường Bà, người Cor có lễ cúng nữ thần Mo Huýt, còn gọi lễ cúng cầu mưa. Lễ cúng này diễn ra vào ngày đầu năm mới khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch với sự tham gia của cả làng. Đối với người Ca Dong, cúng các vị thần xung quanh nguồn nước như thần Ta Róc (vua các vị thần), thần Pơ linh (thần mưa nắng), thần Yiêng vóc mong (thần cai quản nguồn nước), thần Wing (thần sông nước). Tục cúng thần Yiêng vóc mong vào ngày đầu năm mới, ăn lúa mới, tỉa lúa rẫy là một trong lễ cúng lớn của dân tộc Ca Dong.

Từ xưa đến nay, lễ cúng cầu mưa đã thành lệ, không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Hrê ở xã Ba Thành (Ba Tơ). Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh cho biết, năm 2003, lễ cúng cầu mưa đã được phục dựng tại làng Gò Ôn. Vào những năm thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước khô hạn thì người dân trong làng tập trung họp bàn và tổ chức lễ. Dù chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị được thực hiện trong vài tháng trước đó, thậm chí cả năm. Trước khi tổ chức lễ, già làng xem quẻ, chọn chủ lễ, thầy cúng, địa điểm và làm lễ xin phép được tổ chức lễ và ngày cúng. Mỗi nhà đều phải góp một lễ vật như heo, gà, gạo, rượu... Sau khi hoàn thành một số lễ cúng tại nhà chủ lễ, lễ chính được thực hiện ở một đoạn sông, suối. Giàn cúng dựng trên bờ sông. Lễ vật gồm đầu heo, gà sống, rượu, nước suối, gạo, muối, trầu, cau, trầm...

Ông Phạm Văn Xôi (54 tuổi), ở thôn Huy Ba 1, xã Ba Thành cho biết, bài văn cúng bằng tiếng Hrê. Những vị thần được nhắc đến như thần Y Hoắc (ông trời), thần Vo Ray (thần mưa), thần Py Chuy (thần sấm), thần núi, thần sông, thần suối, thần đá... Lễ cúng cầu xin các vị thần cho nắng, cho mưa để cây lúa, cây bắp sống đều, con người khỏe mạnh. Cúng xong, người dân trong làng và khách quý quây quần cùng uống rượu cần, ăn thịt và hát múa theo nhịp chiêng. Trong lễ cúng cầu mưa, dân làng có các hoạt động dân gian như trình diễn chiêng ba, hát ca lêu, ca choi, chơi các trò chơi như kéo co, bịt mắt bắt heo...

Lễ cúng cầu mưa đã góp phần tạo nên sự đa dạng, độc đáo trong tổng thể các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: TẠ HÀ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202408/le-cung-cau-mua-cua-nguoi-xua-810504c/