Lễ cúng ông Công, ông Táo trong mùa dịch
Đang phải căng mình chống dịch, người dân ở nhiều nơi vẫn duy trì tập tục cúng ông Công, ông Táo theo tín ngưỡng dân gian với hình thức đơn giản nhất.
Gọn nhẹ
Dù 3 anh em chị Nghiêm Thị Luyến (phường Trần Phú, TP Hải Dương) cùng ở một dãy phố nhưng năm nay mỗi nhà làm mâm cúng ông Công, ông Táo riêng. Một tuần nay, loa tuyên truyền về việc hạn chế tập trung đông người để phòng tránh dịch Covid-19 nên các thành viên trong gia đình nhắc nhở nhau từ sớm cần hạn chế tập trung. Chị Luyến cho biết lo ngại tập trung quá đông người tại chợ nên chị đặt trước cá của người quen để giao tận nhà và thả cá gần nhà rồi về ngay.
Với những gia đình có người đang đi cách ly tập trung thì dịp ông Công, ông Táo năm nay sẽ là kỷ niệm đáng nhớ. Anh Nguyễn Văn Sỹ (phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) đi cách ly cùng con tại Trường Mầm non Phạm Thái cho biết năm nay gia đình “khất” ông Công, ông Táo. Hiện hai bố con anh đi cách ly tập trung nên công việc ở nhà do vợ anh lo liệu. Con trong diện F1 nên vợ anh không ra ngoài, ông bà lại ở xa không thể nhờ mua sắm đồ cúng giúp. Vậy nên lễ cúng năm nay đơn giản với hoa quả trong vườn và nén hương thành tâm. Cuộc đoàn tụ gia đình qua chiếc điện thoại thông minh giúp vơi đi nỗi nhớ.
Chợ Sao Đỏ (TP Chí Linh) sáng 3.2 (tức 22 tháng Chạp năm Canh Tý 2020), thời điểm chưa tạm dừng hoạt động nhộn nhịp hơn mấy ngày qua. Tuy thế, ai cũng chấp hành nghiêm quy định chống dịch. Trước khi vào chợ, người dân được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Trực chốt kiểm soát y tế cổng chợ liên tục nhắc nhở bà con giữ khoảng cách khi mua bán thông qua chiếc loa cầm tay.
Hầu hết người dân ở TP Chí Linh khi được hỏi đều cho biết Tết ông Công ông Táo năm nay sẽ làm thật đơn giản, không tụ tập ăn uống.
Chị Lê Thị Phương bán đồ vàng mã trên đường Trần Hưng Đạo thông tin ngày 22 tháng Chạp mọi năm người dân tới cửa hàng nhà chị đông nghịt, chen lấn nhau mua đồ cúng. “Năm nay do dịch dã nên khách mua rải rác. Có người mọi năm mua cả đống tiền vàng, mã bội nhưng năm nay chỉ mua vài cách tiền với một bộ đồ thờ ông Công, ông Táo loại nhỏ”, chị Phương nói.
Thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo (Chí Linh) - nơi vẫn đang phải phong tỏa cách ly y tế, lễ cúng của người dân có nhiều khác biệt so với mọi năm. Trao đổi qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân trong thôn cho biết có một nhà hảo tâm đã tặng mỗi hộ một khoanh giò, một đĩa xôi, một đĩa thịt để thắp hương. Ai có nhu cầu mua đồ thờ cúng gì thì thông tin với chốt trực kiểm soát y tế nhờ người mua hộ.
Một số mặt hàng tăng giá nhẹ
Nhiều cửa hàng tại TP Chí Linh sức mua đồ dịp Tết ông Công, ông Táo năm nay giảm mạnh so với năm ngoái. Giá cả hầu hết các mặt hàng đều như ngày thường.
Cụ thể, 1 bộ đồ cúng ông Công, ông Táo có giá 40.000-50.000 đồng. Cá chép sống để cúng có giá 5.000-10.000 đồng/con. Hoa cúc từ 4.000 -5.000 đồng/bông... Giá hoa quả cũng như ngày thường: Táo đỏ, quýt canh từ 40.000-50.000 đồng/kg; xoài, thanh long từ 30.000-40.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 - 25.000 đồng/kg; bưởi 70.000 đồng/quả, giảm 30.000 đồng so với ngày hôm trước.
Ngoại trừ thịt vịt và thịt gà, còn lại giá các loại thực phẩm tươi sống tại TP Chí Linh sáng 3.2 tăng nhẹ so với ngày 2.2. Cụ thể, giò và chả đồng giá 180.000-200.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; thịt lợn ba chỉ 170.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng... Chị Nguyễn Thị Hiền bán giò chả ở phố Trần Hưng Đạo cho biết: “Giá thịt lợn tăng do công vận chuyển thời điểm này tăng”.
Ở TP Hải Dương và các nơi khác, do nhu cầu mua đồ thờ cúng dịp ông Công, ông Táo giảm nên hầu hết giá các mặt hàng không tăng. Chị Nguyễn Thị Hòa ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết trước thời điểm thị trấn bị cách ly, chị đã kịp đi chợ mua đồ cúng ông Công, ông Táo. Hầu hết các mặt hàng giữ giá, người bán cũng không nhập nhiều như trước, bán cho hết hàng do biết nhu cầu tiêu thụ giảm. "Lễ cúng cần thành tâm là chính nên chỉ cần một số lễ cần thiết. Sang năm khi dịch Covid-19 được đẩy lùi chắc chắn gia đình sẽ tổ chức lễ cúng đầy đủ hơn."
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/le-cung-ong-cong-ong-tao-trong-mua-dich-158278