Lễ cưới của người Việt thời phong kiến

Thời phong kiến, lễ cưới nước ta rườm rà, có nơi nặng về tiền bạc, mà đánh mất đi ý nghĩa lớn lao của việc dựng vợ gả chồng. Chính vì vậy, lễ cưới thời đó không được ca ngợi, mà bị chê nhiều hơn.

(ảnh tư liệu về một đám cưới thời phong kiến).

(ảnh tư liệu về một đám cưới thời phong kiến).

Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ bàn về lễ cưới thời ông sống, tức vào thời phong kiến, cách đây cũng mấy trăm năm. Phạm Đình Hổ cho biết, lễ cưới đã có từ lâu, mà ở đây là bên Trung Hoa, đã có từ xửa xưa.

“Lễ cưới đặt ra từ thời Phục Hy, rồi các đời noi theo; lễ chế đã đầy đủ cả, chép ở trong sách Chu lễ và Lễ ký. Ông Chu Văn Công tập hợp và rút gọn lại, lược bớt những chỗ nói về tiền của mà trọng về lễ sính vấn. Đặt ra tục lễ, danh mục tuy phiền, nhưng từ người bậc trung trở xuống có thể tùy lực mà làm theo được”, Phạm Đình Hổ viết.

Qua đoạn này có thể thấy, lễ cưới thời xưa rất phiền. Tuy vậy, tùy hoàn cảnh từng gia đình mà linh hoạt tổ chức. Lễ cưới ở nước ta, Phạm Đình Hổ chê: Nước ta, từ đấng vương công, khanh tướng cho đến các nhà sĩ thứ, chỉ làm có ba lễ là: vấn danh, nạp sính và thân nghinh, đại khái lấy tiền của làm chủ, thứ hai là nghi lễ phục sức, còn như kén chọn lấy người đức hạnh thì ít ai để ý đến.

Như vậy, theo Phạm Đình Hổ, việc cưới hỏi ở ta không phải là chọn lấy người đức hạnh, mà chỉ xét đến tiền, lấy tiền làm chủ, rồi đến phục sức. Ông cũng dẫn ra nhận định: “Văn Trung tử nói rằng “Dựng vợ gả chồng mà chỉ bàn tính đến tiền của là cái đạo man rợ, người quân tử không muốn bước chân vào làng ấy”.

Phạm Đình Hổ cũng than thở: Đời xưa, nhà trai đưa lễ đi hỏi vợ, nhà gái phúc thư trả lời, chu toàn đi lại đôi bên chỉ có một mụ mối mà thôi. Thói tục đời nay thì không thế. Từ lúc đi hỏi vợ cho đến lúc thành hôn, nhà trai thường mời cả họ đi theo; con gái về nhà chồng thì cả họ nhà gái cũng đi tiễn, bày ra hành nghi phục sức, ăn uống linh đình, chỉ cốt sĩ diện một lúc ở trước mắt.

Có kẻ vừa cưới dâu xong thì ruộng nương đã bán sạch. Cứ xét trong lễ thì nhà có con gái gả chồng ba ngày không tắt đèn, là vì mẹ con li biệt, nhớ nhau ; nhà cưới nàng dâu về, ba ngày không cứ nhạc, là lo đường nối dõi tổ tiên, có ý để vun gốc nhân luân và đắp nền phong hóa; không phải khoe khoang làm cho vui tai đẹp mắt một lúc.

Ông tiếc cho tục lệ cưới ngày xưa, còn thời ông thì việc lễ cưới không vun gốc nhân luân, không đắp nền phong hóa, mà chỉ cốt sao cho đẹp, cho vui một lúc mà thôi. Cái đó gọi là khoe khoang, không bền lâu, nếu như đức hạnh giữa hai người không có.

Phạm Đình Hổ cũng liệt kê ra những thói xấu trong lễ cưới của nước ta: Nước ta lễ cưới thì chẳng có thư thiếp gì cả, mà lại có tục chăng dây, chẳng kể lễ số gì, chỉ vòi lấy tiền bạc mà thôi. Cái thói ấy thực đáng khinh bỉ. Lại còn lắm chỗ dân tục sách nhiễu, nặng nhẹ nhiều ít, mỗi nơi một khác. Thậm chí có nơi trẻ con xóm giềng cũng ra đón đường vòi tiền, đến nỗi phải dừng võng cáng lại để giảng giải. Có người không mang đủ tiền thì phải gán cả đồ đạc. Thói ấy thật đời thịnh không nên có.

Ông cũng cho rằng, không nên hoãn việc tang lại mà đi đón dâu, “thói ấy thực bại hoại luân lý, các bực tiên hiền từng đã biện bác đi rồi”. Qua những nhận định của Phạm Đình Hổ, dù ông có vẻ chủ quan, nhưng thấy rằng, những ý kiến của ông thực tế, muốn cho lễ cưới trở nên tốt đẹp hơn.

Ngày nay, chúng ta nên nhìn nhận lại quan điểm của Phạm Đình Hổ về lễ cưới xưa để soi chiếu lại với lễ cưới của nước ta hiện nay. Và thấy rằng, cũng có nhiều nơi bây giờ, cưới xin đang nặng về vật chất, tiền tài, sính lễ mà làm phiền nhau, mệt mỏi nhau.

Vũ Đoàn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/le-cuoi-cua-nguoi-viet-thoi-phong-kien-post438059.html