Lễ cưới tập thể đặc biệt trong ngày Tết Độc lập
Một lễ cưới đặc biệt vừa diễn ra tại TPHCM của 100 cặp cô dâu chú rể nhân ngày Tết Độc lập của dân tộc. Họ đều là những hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, bị tai nạn lao động.
Cưới lại vợ mình
Vợ chồng anh Phạm Vương Vũ (1983) và chị Trần Thị Ngọc Hiếu (1984) đang trú tại quận Thủ Đức, TPHCM là một trong những cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn nhất đến tham dự lễ cưới tập thể năm 2019.
Vợ chồng đều khuyết tật ở 2 chân, anh chị phải đi xe lăn. Chị Hiếu cho biết, vợ chồng chị đã có 1 cô con gái 4 tuổi. Để có tiền nuôi con và trang trải cuộc sống gia đình, chị làm nghề tạo tranh bằng vỏ ốc, bằng đá và bán qua kênh fanpage Tranh đá quý của Hiếu. Ngoài ra, chị còn làm thêm nghề bán hàng online. Chồng chị làm nghề vận chuyển đồ bằng cách chạy xe 3 bánh.
“Hôm nay được tham gia lễ cưới này mình rất vui, có nhiều người đến chúc mừng. Vợ chồng mình chưa tổ chức lễ cưới vì lúc đó cha mất nên hoãn lại để tang. Khi làm giấy đăng ký kết hôn thì không được vì anh Vũ là trẻ em mồ côi, giấy tờ ở trung tâm bảo trợ đều thất lạc. Hôm nay vợ chồng được hỗ trợ làm giấy đăng ký kết hôn và được tổ chức lễ cưới đầm ấm như vậy, mình cảm thấy rất hạnh phúc”, chị Hiếu xúc động nói.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi khi tham gia lễ cưới tập thể 2019, Nguyễn Văn Hiến (quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Khi tham gia lễ cưới này chúng tôi rất vui. Tôi vui vì được tặng nhẫn cưới cho vợ, được cùng cô ấy cắt bánh kem hạnh phúc. Cuộc sống khó khăn quá nên có được những giây phút lãng mạn như vậy tôi cảm thấy rất trân trọng”.
Chị Nguyễn Thị Hằng (1978) vợ anh Hiến chia sẻ: Trước đây, vợ chồng chị ở quê làm ruộng và nuôi lợn. Nhưng năm ngoái lợn bị dịch tả lợn châu Phi và chết hết nên anh chị lâm nợ nần. Bản thân chị mắc bệnh u xơ cổ tử cung nên phải vào TPHCM để mổ. Chồng chị bị bệnh đái tháo có nhiều biến chứng, huyết áp cao, đau xương khớp nên không xin được việc làm. Giờ đây, anh chị phải dẫn nhau lên thành phố để kiếm công việc mưu sinh và chữa bệnh. “Vợ chồng tôi làm nghề bán bún riêu, ngày nào đông khách thì bán hết 7kg bún lời được 250 – 300 ngàn. Ngày nào ế thì chỉ được 5 kg bún thôi. Thu nhập trong gia đình không ổn định. Con gái thì bị bệnh nhiễm trùng máu từ lúc 6 tháng. Bây giờ cháu được 10 tuổi rồi nhưng vợ chồng tôi lúc nào cũng kiếm tiền chủ yếu lo thuốc men cho con. Hiện tại cháu có đi học nhưng chậm hơn so với các bạn khác. Vợ chồng tôi ngày xưa lúc cưới cũng có làm mâm cơm mời họ hàng thôi chứ không tổ chức lễ cưới hoành tráng như hôm nay. Cuộc sống khó khăn quá nên đâu dám mơ được chụp ảnh cưới hay mặc váy cưới đâu”, chị Hằng bộc bạch.
“Ông tơ bà nguyệt”
Hoàn cảnh của vợ chồng anh Vũ, chị Hiếu và anh Hiến, chị Hằng đã phần nào khái quát được hoàn cảnh của 100 cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể năm nay. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả đều có chung một niềm mong ước là có được một lễ cưới trọn vẹn, để cùng nhau xây nên một gia đình hạnh phúc vượt qua muôn vàn khăn trong cuộc sống. Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP HCM đã trở thành “ông tơ bà nguyệt” giúp những ước mơ đó được trở thành hiện thực.
Tham gia chương trình, ngay từ sáng sớm ngày 2/9, 100 cặp đôi đã tập trung, chuẩn bị và trang điểm tại Thành Đoàn TPHCM. Sau đó, các cô dâu chú rể trong trang phục khăn đóng, áo dài đã diễu hành bằng xe đạp điện qua các tuyến đường lớn như Phạm Ngọc Thạch, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong và dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ tại Nhà Thiếu nhi TP. Tại đây, các cặp đôi còn được tặng huy hiệu thành phố, chụp hình lưu niệm và di chuyển về trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza – Kỳ Hòa để chuẩn bị cho phần nghi thức lễ cưới.
Tại lễ cưới chính thức, các cô dâu chú rể cùng nắm tay nhau bước lên lễ đường trước sự chứng kiến và chúc phúc của họ hàng 2 bên, bạn bè và các đoàn thể. Họ được lãnh đạo thành phố chúc mừng và trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Bên cạnh đó, các đôi tham gia lễ cưới còn được tặng một cặp nhẫn cưới, thẻ khám bệnh miễn phí, ảnh cưới, bàn tiệc và 12 tặng phẩm gắn liền với kỷ niệm 12 năm tổ chức chương trình lễ cưới tập thể. Đặc biệt, ban tổ chức trao tặng 10 xe đạp điện và 5 căn phòng mơ ước (chi phí thuê phòng trọ trong một năm) cho 5 đôi thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Lễ cưới tập thể đã tổ chức được 12 năm. Chặng đường đó đã đồng hành cùng niềm vui hạnh phúc lứa đôi của 922 cặp. Lễ cưới tập thể là cầu nối tiếp thêm động lực, niềm tin xây dựng ước mơ hạnh phúc tưởng như xa vời của nhiều thanh niên, công nhân, người lao động nghèo.
Một số hình ảnh lễ cưới tập thể năm 2019: