Lễ Đại kỳ phước-nét đẹp văn hóa cổ truyền
Khu di tích đền Cao (phường An Lạc, Chí Linh) nổi tiếng với nhiều sự lệ đặc sắc mang đậm nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, trong đó phải kể đến lễ hội Đại kỳ phước.
Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia đền Cao gồm 4 ngôi đền và 1 ngôi đình được xây dựng trên nhiều vị trí khác nhau trong không gian rộng gần 1 km2 thuộc phường An Lạc (Chí Linh).
Theo sách “Hải Dương di tích và danh thắng tập 1” của Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương (xuất bản năm 1999), khu di tích đền Cao thờ 5 vị tướng quân họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống xâm lược vào thế kỷ X.
Trong đó, đền Cao thờ tướng Vương Đức Minh, đền Cả thờ hai người chị cả Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu, đền Bến Tràng thờ tướng Vương Đức Xuân và tướng Vương Đức Hồng.
Khu di tích nổi tiếng với nhiều sự lệ đặc sắc mang đậm nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, trong đó phải kể đến lễ Đại kỳ phước. Nghi lễ này được tổ chức vào ngày 26.10 âm lịch hằng năm tại đình Lạc Đạo với ý nghĩa kỷ niệm ngày sinh của 5 vị tướng họ Vương và cầu xin Thành hoàng làng, các thánh ban phước lộc đến cho nhân dân trong khu dân cư. Buổi lễ có nghi thức tế và dâng hương các vị thánh.
Trong lễ Đại kỳ phước, việc sắm sửa lễ phẩm rất quan trọng, yêu cầu phải thật cẩn thận, thanh tịnh. Ban Quản lý di tích thường cử người sắm lễ cúng từ hôm trước. Lễ vật cúng thánh gồm 18 cỗ lễ chay (mỗi cỗ có bánh dày, chè kho, chè lam, tiền vàng, hương đen); 11 bát cơm chay muối vừng, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, rượu, tăm đặt các ban tại đình Lạc Đạo và các đền. Trong những năm gần đây, du khách thập phương còn mang cả bánh sinh nhật đến đình Lạc Đạo để cúng mừng sinh nhật các đức thánh. Đây là một nét mới trong việc thờ cúng tại khu di tích đền Cao.
Làng Lạc Đạo xưa (khu dân cư An Lạc ngày nay) luôn có 5 quan đám và một cụ trùm là những quan làng, được mọi người tôn kính và giao cho việc đội lệnh nhà thánh, ra vào cung cấm để thực hiện đầy đủ các sự lệ ở khu di tích trong một năm. Chiều 25.10 âm lịch, các quan đám tiến mỗi đền 1 cỗ lễ chay mời các đức thánh về ngự tại đình thiết lễ mừng ngày sinh các vị.
Đúng 7 giờ sáng 26.10 âm lịch, nghi thức tế được tiến hành. Đội tế nam quan gồm 13 người có nhiệm vụ đưa rượu tế vào trong hậu cung. Nghi thức tế được chia làm 3 tuần: tuần đầu dâng rượu và đọc chúc văn, tuần thứ hai và thứ ba là dâng rượu, thụ lộc. Trong khi tế, những lúc dâng rượu, lúc đọc chúc đều phải cử hành chiêng trống. Sau khi các quan viên tế xong, dân làng cũng mang lễ vật vào lễ, cầu các thánh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, nhiều phúc lộc.
Trong đình các quan viên tế lễ, còn ngoài sân đình biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát chèo, hát văn, diễn xướng dân gian độc đáo ca ngợi công đức của các vị đức thánh họ Vương đã có công phò vua giúp nước do các đội văn nghệ TP Chí Linh và các vùng lân cận tự nguyện đến biểu diễn mừng ngày sinh các đức thánh. Sau nghi thức tế lễ và văn nghệ chào mừng là lễ dâng hương để tỏ lòng cung kính và nhớ ơn các vị đức thánh.
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa phong phú khác, lễ Đại kỳ phước tại khu di tích đền Cao là dịp để người dân địa phương tạ ơn thành hoàng làng và 5 vị thánh họ Vương đã ban phúc cho dân làng có một năm mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời mong cầu năm mới dân làng đều mạnh khỏe, bình yên, đạt được kết quả cao hơn trong lao động, sản xuất. Việc duy trì tổ chức lễ Đại kỳ phước vừa thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai cơ lập làng, vừa góp phần giáo dục lòng tự hào về truyền thống văn hóa - lịch sử cho các thế hệ, nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phong-tuc/le-dai-ky-phuoc-net-dep-van-hoa-co-truyen-145200