Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương
Kỷ niệm ngày mất của Đức vua An Dương Vương (ngày 26/4/2023, tức ngày mồng 7/3 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa cùng lãnh đạo huyện Đông Anh và đoàn thể, nhân dân cùng du khách thập phương đã thành kính tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương.
Cổ Loa là vùng đất cao của Đồng bằng châu thổ sông Hồng, khi đó được bao bọc bởi những dòng chảy lớn thông nước với sông Hồng và sông Cầu. Đó là sông Hoàng Giang mà ngày nay dấu vết của nó còn rõ nét với những đoạn gọi là sông Thiếp hay sông Ngũ huyện khê (sông chảy qua 5 huyện: Yên Lãng, Kim Anh, Đông Ngàn, Yên phong, Tiên Du). Theo đường thủy, có thể ngược lên phía Bắc hay Tây Bắc, cũng có thể xuôi xuống vùng Đông Bắc hay Đông Nam, tỏa xuống các vùng ven biển.
Nằm ở vùng đồng bằng trù phú và đông đúc dân cư, giao thông thủy bộ đều thuận lợi, lại có địa hình phù hợp cho việc xây thành, đắp lũy - một yêu cầu cấp bách trước nguy cơ xâm lược của Triệu Đà, Cổ Loa đã được chọn làm Kinh đô của Âu Lạc thời ấy.
Với một nỗ lực phi thường, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo.
An Dương Vương - người tổng chỉ huy và những nhà thiết kế đã biết tận dụng triệt để những yếu tố tự nhiên về địa hình địa vật để tạo ra một tòa thành cao hào sâu, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm.
Đó là tòa thành từng được gọi là thành Ốc, Tư long thành, Loa thành hay thành Cổ Loa ngày nay.
Thành Cổ Loa, với vai trò là Kinh đô của Âu Lạc, cũng có nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước thời ấy. Nhờ có sự đoàn kết quân dân, có “Nỏ thần” cùng tòa thành độc đáo như thế, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã tham quan và trải nghiệm bắn chiếc nỏ mô phỏng lại Nỏ thần của An Dương Vương. Đây là sáng chế của kỹ sư Vũ Đình Thanh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 25/8/2022.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết, Nỏ thần An Dương Vương có ống tên như trong lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa, bắn đồng loạt các mũi tên đồng Cổ Loa xa đến 1.000m, sử dụng vuốt rùa làm lẫy nỏ như trong truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy, trùng hợp hoàn toàn với những ghi chép của sử sách xưa về Nỏ thần An Dương Vương.
Nỏ thần này là duy nhất trên toàn thế giới, bắn nhiều tên cùng lúc. Lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ.
Nỏ thần có kích cỡ to hơn các nỏ thông thường, bắn tên bay xa hơn nỏ thường ít nhất 5 lần với uy lực như của nỏ thần khi xưa. Nỏ thần bắn được cực xa ở môt vị trí đặt ống duy nhất, còn các vị trí khác tên không bay được, đây chính là điều đặc biệt thú vị của nỏ thần.
Trải nghiệm bắn chiếc nỏ mô phỏng lại Nỏ thần An Dương Vương trong buổi lễ, du khách Séc là Anh Andrej Ngo, đồng thời cũng là người mang dòng máu Việt Nam chia sẻ: “Mẹ tôi là người Cộng hòa Séc và bố người Việt Nam. Hồi bé, tôi đã được bố kể về câu chuyện nỏ thần An Dương Vương nên rất quan tâm vấn đề này.
Khi biết đến kỹ sư Vũ Đình Thanh tiến hành phục dựng lại mô hình nỏ thần An Dương Vương qua kênh youtube nên tôi đã quyết định tới thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến. Chắc chắn tôi sẽ quay lại thăm Việt Nam lần nữa và rủ thêm bạn bè đến để trải nghiệm”.
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Hà Nội, nguyên Giám đốc trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhấn mạnh, dân tộc ta có truyền thống cực kỳ quý báu đó là uống nước nhớ nguồn.
Ngày 7/3 âm lịch hàng năm, Đảng, Chính quyền và nhân dân địa phương cùng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức giỗ Đức vua An Dương Vương. Đây là nghĩa cử theo truyền thống dân tộc Việt Nam, làm một hình thức uống nước nhớ nguồn.
“Khu di tích Cổ Loa là khu di tích đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận và đây cũng là một trong những kinh đô cổ của Việt Nam. Theo truyền thuyết kinh đô đầu tiên là ở Bạch Hạc, khu vực Đền Hùng (PV: TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Đó là sự ghi chép và truyền ngôn, tuy nhiên, nhìn trên thực địa và những ghi chép trong lịch sử thì rõ ràng là Cổ Loa mới là kinh đô cổ nhất mà chúng ta biết đến. Việc hướng tới cội nguồn của dân tộc là một trong những việc làm có ý nghĩa đối với thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Sơn nói.