Lễ đón Năm mới qua các thời kỳ lịch sử
Trong thời cổ đại, khái niệm Năm mới thường gắn liền với các sự kiện nông nghiệp và sự di chuyển của mặt trời, mặt trăng, dẫn đến ngày đầu năm có sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
Một trong những dấu mốc sớm nhất về lễ hội đón Năm mới được ghi nhận ở vùng Lưỡng Hà, nay thuộc Iraq, từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên.
Lễ hội Akitu được người Babylon tổ chức vào tháng 3 và người Assyria tổ chức vào tháng 9, nhằm chào mừng mùa gieo hạt lúa mạch.
Lễ hội kéo dài suốt 12 ngày, tràn ngập những nghi lễ cầu nguyện, ca hát, nhảy múa và các hoạt động văn hóa đặc sắc.
Trong thời cổ đại, khái niệm Năm mới thường gắn liền với các sự kiện nông nghiệp và sự di chuyển của mặt trời, mặt trăng, dẫn đến ngày đầu năm có sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
Người La Mã cổ đại là những người đầu tiên ấn định ngày 1/1 làm khởi đầu Năm mới.
Vua Numa Pompilius của La Mã đã cải cách lịch La Mã cổ, thay thế tháng 3 bằng tháng 1 làm tháng đầu tiên trong năm. Tháng 1 được đặt theo tên thần Janus, vị thần La Mã tượng trưng cho sự khởi đầu, trong khi tháng 3 mang tên thần chiến tranh Mars.
Năm 46 trước Công nguyên, Julius Caesar đã cho ra đời lịch Julius, chính thức giữ ngày 1/1 làm ngày đầu tiên của năm mới.
Dưới sự thống trị của đế chế La Mã, lịch Julius được lan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, sau khi đế chế này sụp đổ, các nước theo Cơ đốc giáo đã thay đổi lịch theo tôn giáo của mình, chọn ngày 25/3 (Lễ Truyền tin) và ngày 25/12 (Lễ Giáng sinh) làm ngày khởi đầu Năm mới.
Năm 1582, Giáo hoàng Gregory XIII cải cách lịch, ban hành lịch Gregorian và khôi phục ngày 1/1 là ngày bắt đầu năm mới.
Theo thời gian, các quốc gia dần áp dụng lịch Gregorian, và đến nay, đây là loại lịch được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia và nền văn hóa duy trì lịch riêng của mình.
Thí dụ, Ethiopia tổ chức đón Năm mới vào tháng 9, trong khi một số nền văn hóa khác vẫn kỷ niệm năm mới theo phong tục truyền thống.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-don-nam-moi-qua-cac-thoi-ky-lich-su-post853635.html