Lễ Et kơ mai của đồng bào Bahnar
Với đồng bào dân tộc Bahnar ở Gia Lai, lễ Et kơ mai (cắt đứt duyên phận với người đã khuất) có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Những trường hợp có vợ hoặc chồng chết đi, khi chưa làm lễ Et kơ mai mà đã có người 'ưng ý' để đi bước nữa thì sẽ bị con cái oán trách, cộng đồng lên án; họ hàng quay lưng, xem như người xa lạ.
Ngày trước, sau 3 năm giữ mả hoặc lâu hơn, người Bahnar tổ chức lễ bỏ mả, đồng thời tiến hành lễ Et kơ mai. Lễ Et kơ mai thường tổ chức vào ngày uống rượu drô mul. Trước khi tiến hành nghi lễ, vợ hoặc chồng của người chết phải chuẩn bị lễ vật gồm 1 con heo (hoặc có thể xẻ lấy phần đùi thịt trâu, thịt bò được giết mổ trong lễ bỏ mả) cùng với những ghè rượu. Ngoài ra, gia chủ còn chuẩn bị quần áo, vòng tay, giày dép... (tùy khả năng, không bắt buộc) để tặng cho các thành viên gia đình người đã chết (gồm bố mẹ và anh chị em ruột).
Riêng rượu thì phải có ít nhất từ 2 ghè trở lên và phần thịt ít nhất cũng phải nấu 2 nồi riêng biệt. Vì rượu ghè và thịt cúng Et kơ mai, bố mẹ ruột, cô chú, bác và cả những người con của người đã chết kiêng kỵ, không được phép ăn uống. Chỉ anh chị em ruột, anh em họ mới được uống rượu và ăn thịt cúng. Cho nên phải có thêm những ghè rượu và nồi thịt khác để mời bố mẹ, cô chú… cùng ăn uống. Khi đã chuẩn bị đầy đủ những lễ vật này thì mới tiến hành nghi lễ.
Ông Vên (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Lễ Et kơ mai thể hiện tình yêu thương giữa chủ lễ với người đã khuất. Trước đây, khi làm lễ bỏ mả thì tiến hành luôn lễ này. Hiện nay, nhiều nơi không tổ chức bỏ mả nữa nên lễ này được làm tại gia đình có người qua đời. Việc duy trì lễ Et kơ mai đối với bà con dân tộc Bahnar còn có ý nghĩa nhắc nhở những người đang trong thời gian chịu tang phải thay người đã khuất lo toan việc nhà, chăm sóc con cái.
Ngày lễ, nếu chủ lễ làm tròn bổn phận chăm sóc mồ mả, nuôi dạy con… thì lễ diễn ra rất thân thiết, đầy sự cảm thông. Chủ lễ sẽ thể hiện lòng tôn kính bố mẹ, yêu thương anh em của người đã mất bằng cách cầm những bộ quần áo, vòng tay chuẩn bị sẵn, mặc, đeo cho từng người, nói những lời thân tình, quý mến… và anh em bên phía người qua đời cũng đáp lại tương tự. Những lễ vật kỷ niệm này để họ luôn xem nhau như thành viên trong nhà, luôn quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, kể cả khi chủ lễ đã đi bước nữa.
Cũng tại lễ này, nếu có anh em, họ hàng, những người chưa lập gia đình bên phía người đã mất “ưng ý” thì chủ động đến chải tóc (preh sok), chỉnh sửa quần áo cho chủ lễ, bày tỏ tình cảm, muốn đến với chủ lễ để cùng chia sẻ việc nhà, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái… theo tục “nối dây” thì sẽ được bà con hai bên chấp thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa làm lễ Et kơ mai mà chủ lễ đã đi bước nữa thì không chỉ con cái oán trách, cộng đồng lên án, họ hàng quay lưng mà già làng còn có quyền bắt phạt. Có trường hợp bị phạt rất nặng như: kéo dài thời gian giữ mả, đánh heo cúng nhà rông, bến nước…
Già làng Vên chia sẻ thêm: “Nếu không may vợ/chồng có người chết chưa đủ thời gian làm lễ bỏ mả, chưa làm lễ Et kơ mai mà đã vội tái hôn thì già làng có quyền bắt phạt. Phạt bằng cách tăng thời gian giữ mả từ 3 năm đến 5-7 năm. Hình phạt này không phải để đền bù cho những người còn sống, tiền bạc, ruộng đất, mà đây như là việc tạ lỗi với người đã khuất, phải xây, sửa mồ mả, đánh con heo cho họ hàng và khi làm lễ bỏ mả là phải đánh 1 con trâu”.
Hiện nay, ở nhiều buôn làng Bahnar, việc tổ chức lễ bỏ mả đã ít dần vì tốn kém thời gian, tiền của… nhưng lễ Et kơ mai vẫn được duy trì và được tổ chức ở nhà người quá cố. Thời gian tổ chức lễ cũng không còn khắt khe, bắt buộc phải mang tang đủ 3 năm hoặc lâu hơn như trước nữa. Với người Bahnar, lễ Et kơ mai không chỉ giúp cho chủ lễ được quyền tự do lựa chọn người bạn đời mới, mà còn gắn kết quan hệ họ hàng với bên người đã mất luôn khăng khít, bền chặt.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/le-et-ko-mai-cua-dong-bao-bahnar-post251045.html