Lễ giỗ cụ Nguyễn mang đậm nét đẹp tri ân
Đã thành thông lệ, cứ đến gần ngày 11/9 Âm lịch hàng năm, người dân khu vực Vàm Nhựt Tảo (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) và khu vực Xóm Nghề (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) lại nô nức chuẩn bị ngày giỗ Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực. Trước chính lễ mấy ngày, tại Khu di tích lịch sử (DTLS) Vàm Nhựt Tảo và Khu DTLS Xóm Nghề đông đúc người vào ra chuẩn bị. Mỗi người một việc, cùng nhau góp sức để lễ giỗ diễn ra trang nghiêm. Đó là tấm lòng mà thế hệ sau dành cho người anh hùng chẳng sợ hy sinh, quyết đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Khí phách chàng trai làng chài
AHDT Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 ở Xóm Nghề - một xóm làm nghề chài lưới nhỏ bên bờ sông Vàm Cỏ Đông (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Xóm Nghề xưa thuộc thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, nơi ông Nguyễn Văn Đạo - cao tổ dòng họ Nguyễn chọn dừng chân trên bước đường đưa gia quyến vào Nam lánh nạn. Ông Nguyễn Văn Đạo là một trong những người có công khai phá sớm nhất ở làng Bình Nhựt. AHDT Nguyễn Trung Trực là cháu nội ông Nguyễn Văn Đạo. Lúc nhỏ, ông có tên là Chơn, từ năm 1859, ông đổi là Lịch. Do tính tình ngay thẳng nên thầy dạy học đặt cho ông là Nguyễn Trung Trực.
Nguyên quán của dòng họ vốn từ Bình Định nên ngoài nghề chài lưới, người dân Xóm Nghề xưa còn ngày đêm tập rèn võ nghệ. Bởi vậy, Nguyễn Trung Trực sớm nổi danh là người trẻ tuổi nhưng có sức khỏe, giỏi bơi lội, võ nghệ và tài thao lược hơn người. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Bộ, ông theo đội quân chống Pháp của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định và được cử về hoạt động chống Pháp trên địa bàn phủ Tân An.
Nguyễn Trung Trực vốn có quan hệ mật thiết với ông Hồ Văn Chương, người có công khai phá vùng đất Nhựt Tảo xưa. Ông Hồ Văn Chương có 3 người con trai là Hồ Quang Minh, Hồ Quang Chiêu, Hồ Quang Lệ đều có lòng yêu nước nên Nguyễn Trung Trực liên hệ với ông Hồ Văn Chương bàn bạc kế hoạch đánh Pháp. Và kế hoạch đánh tàu được vạch ra.
Ông Hồ Quang Minh, con ông Chương, vốn là Cai tổng Cửu Cư Hạ nên ông làm thân với địch, bày với chúng rằng để tránh nắng nóng của miền Nam thì nên dùng lá dừa nước lợp mái cho chiến hạm. Nguyễn Trung Trực được đề cử làm thợ mộc, lên tàu lợp mái lá che. Sau 1 tuần, anh thợ mộc Nguyễn Trung Trực điều nghiên rõ hoạt động của địch và vạch ra kế hoạch tấn công.
Để phân tán lực lượng địch trên tàu và tấn công tiêu diệt toán lính đang đóng đồn tại chợ Nhựt Tảo, sáng đó, ông Hồ Quang Chiêu cùng hương chức làng Nhựt Tảo bày kế tổ chức cúng chùa Ông, có hát bội, mời bọn địch đến xem và ăn tiệc. Bọn địch mắc mưu, hỉ hả kéo đến chùa Ông ăn uống say sưa.
Gần trưa, khi Nguyễn Trung Trực đang chuẩn bị đánh tàu L'Espérance thì hương thân ra hiệu lệnh tấn công. Ngay lập tức, những người giỏi võ đóng vai hương chức rút vũ khí và củi đòn giấu sẵn trong chùa tiêu diệt tên chỉ huy. Dân binh làng Nhựt Tảo cũng xông vào tấn công bọn lính mã tà, khiến chúng không kịp trở tay, đều bị tiêu diệt.
Cùng lúc đó, Nguyễn Trung Trực và 59 nghĩa quân lên 5 chiếc ghe giả làm ghe buôn lúa tiến sát tàu địch. Trong lúc trình giấy thông hành, người anh hùng làng chài bất ngờ giết tên lính Pháp rồi cùng nghĩa quân tấn công lính Pháp trên tàu L'Espérance. Không kịp trở tay, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt (chỉ có 5 tên chạy thoát). Nghĩa quân dùng dầu và đồ dẫn hỏa đốt cháy tàu L'Espérance làm nên chiến công “hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa”.
Tấm lòng hậu thế hôm nay
Sau chiến công hiển hách tại Vàm Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực tiếp tục chiến đấu chống thực dân xâm lược. Trận đồn Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) cũng là một trong những chiến công vang dội của ông. Cho đến ngày hy sinh, Nguyễn Trung Trực vẫn cương nghị với câu nói sống mãi trong lòng dân Việt “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Vì tấm lòng yêu nước, thương dân đó, AHDT Nguyễn Trung Trực mãi được người dân tôn thờ, trân trọng. Hàng năm, lễ kỷ niệm ngày ông hy sinh được tổ chức trọng thể tại 2 khu DTLS Vàm Nhựt Tảo và Xóm Nghề với nhiều hoạt động thu hút hàng chục ngàn người đến tham gia.
Có mặt tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo trước lễ giỗ 3 ngày, bà Đỗ Thị Phụng (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) tất bật quét dọn, lo hậu cần chuẩn bị ngày giỗ. Việc gì làm được, bà đều không nề hà. Việc phục vụ lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực với bà Phụng đã trở thành thông lệ nhiều năm nay. Bà Phụng kể: “Mỗi năm, tôi dành vài ngày phụ lễ giỗ. Gia đình tôi trước đều tham gia cách mạng. Cụ Nguyễn Trung Trực là người yêu nước nên tôi tôn kính, muốn được góp sức phụ lo cho lễ giỗ”. Không chỉ có bà Phụng, từ trước ngày lễ kỷ niệm diễn ra, đông đảo người dân từ các địa phương bắt đầu đổ về 2 khu di tích, chung tay quét dọn, dựng rạp, chuẩn bị các gian hàng nước uống, thức ăn miễn phí phục vụ trong suốt nhữngngày lễ.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Trụ - Ngô Văn Quốc, cho biết: "Công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 156 năm ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh đã bắt đầu cách đây gần 1 tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức nhận được nhiều đóng góp, đăng ký hỗ trợ món ăn suốt thời gian diễn ra lễ kỷ niệm từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh".
AHDT Nguyễn Trung Trực đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc ta. Chiến công của ông là một trang sử vàng chói lọi, mãi mãi được đời sau ghi nhớ. Và sự chung tay tổ chức lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực hàng năm là lời khẳng định của thế hệ sau về ý chí quyết tâm tiếp bước cha ông bảo vệ quê hương, Tổ quốc./.
Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, người dân đều chung tay hỗ trợ, chuẩn bị từ trước lễ mấy ngày. Con cháu trong dòng họ cũng về đầy đủ trong ngày giỗ cụ, tỏ lòng thành kính. Được là hậu duệ của cụ Nguyễn Trung Trực là một niềm vinh dự, tự hào! Ngoài lễ giỗ này, ngày 10/3 Âm lịch hàng năm, dòng họ cũng tổ chức lễ kỷ niệm trong gia tộc. Vì trước đây, trong ngày xuất quân đánh giặc, cụ có căn dặn là nếu việc lớn không thành, hãy nhớ ngày ra đi của cụ mà nhắc nhở".
Ông Nguyễn An Thọ, hậu duệ đời thứ 4 của AHDT Nguyễn Trung Trực
Năm nay, nhóm chúng tôi đăng ký hỗ trợ nước uống và thức ăn nhẹ tại Lễ kỷ niệm 156 năm Ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh ở Khu DTLS Xóm Nghề. Những năm trước, chúng tôi tham gia tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, năm nay thì về với Xóm Nghề. Dù tham gia ở đâu đều là tấm lòng của chúng tôi hướng về AHDT Nguyễn Trung Trực. Tôi cũng là người con của Long An nên hướng về quê hương là điều nên làm".
Bà Nguyễn Thị Huyền Dung (TP.HCM)
Hàng năm, mỗi lần tổ chức lễ kỷ niệm ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh, chùa Ông và đình thần Nhựt Tảo đều mở cửa để khách thập phương đến thắp hương. Bởi chùa Ông là nơi hương thân làng Nhựt Tảo giúp nghĩa quân phân tán lực lượng giặc và đình Nhựt Tảo cũng có bàn thờ ông Nguyễn Trung Trực và các vị tiền bối họ Hồ có công khai hoang, lập làng, lãnh đạo nhân dân phối hợp nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh tàu".
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/le-gio-cu-nguyen-mang-dam-net-dep-tri-an-a183946.html