Lễ hội biến thành thảm sát kinh hoàng ở Ethiopia
Một tài liệu của chính phủ Mỹ cáo buộc giới chức Ethiopia và đồng minh tiến hành chiến dịch thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Tigray, khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng.
Tài liệu mật của chính phủ Mỹ mà New York Times tiếp cận được cho biết chính quyền Ethiopia và các lực lượng vũ trang đồng minh đang tiến hành một chiến dịch thanh lọc sắc tộc có hệ thống ở vùng Tigray, miền Bắc nước này.
Tài liệu của Mỹ cáo buộc lực lượng chính phủ và binh sĩ dân quân từ khu vực Amhara, được sự ủng hộ của Thủ tướng Abiy Ahmed, đã tấn công vào Tigray, với ý định "đồng hóa vùng Tây Tigray về mặt sắc tộc" thông qua "hăm dọa và sử dụng vũ lực".
Trang chủ website của CNN cũng có bài điều tra công phu về một vụ thảm sát xảy ra hồi tháng 11/2020, phỏng vấn 12 nhân chứng và 20 người thân của các nạn nhân.
Vụ thảm sát trên núi
Như mọi năm, người hành hương Chính thống giáo đổ về nhà thờ Maryam Dengelat ở thị trấn Edaga Hamus, Tigray hôm 30/11/2020 - ngày được người Ethiopia coi là thời điểm Hòm bia Giao ước được đưa từ Jerusalem về nước.
Nhân chứng cho biết buổi lễ bắt đầu không có gì bất thường. Những tín đồ nắm tay nhau cầu nguyện, nhảy múa và ca hát, dưới sự chủ trì của các tu sĩ nhà thờ Maryam Dengelat.
Khi buổi cầu nguyện lúc sáng sớm kết thúc, những tay súng đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Ban đầu, các tay súng đến trong hòa bình. Họ được mời ăn uống, cùng người dự lễ nghỉ ngơi dưới các bóng cây.
Tuy nhiên, khi thánh lễ với số lượng tín đồ tham dự diễn ra vào buổi trưa lớn dần, vụ thảm sát bắt đầu, theo tài liệu của chính phủ Mỹ.
Những người hành hương bỏ chạy xuống núi hoặc lẩn trốn vào nhà dân gần đó.
Dựa vào quân phục và ngôn ngữ họ sử dụng, 8 nhân chứng cho rằng các tay súng là lực lượng đến từ nước láng giềng Eritrea.
Binh sĩ xông vào từng ngôi nhà để tìm kiếm người ẩn náu. Phụ nữ có thai và đàn ông bị giết ngay khi tìm thấy. Một số người sống sót nhờ ẩn náu dưới các xác chết.
"Các tay súng kéo mọi người ra khỏi nhà, nổ súng giết hại tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông. Sau khi giết người bên ngoài ngôi nhà của họ, các tay súng cướp hết tài sản bên trong", một nhân chứng tên Samuel nói.
Gần như chỉ những người kịp chạy vào nhà thờ còn sống sót sau vụ thảm sát.
Vụ thảm sát trên núi kéo dài hai ngày, trước khi giáo dân địa phương trốn bên trong nhà thờ được các tay súng cho phép ra ngoài và chôn cất các thi thể.
Trong hai tuần sau đó, các tay súng tiếp tục hiện diện ở Edaga Hamus. Một nhân chứng cho biết các tay súng cướp xe của người địa phương, đốt phá mùa màng, giết hại gia súc. Những tay súng cuối cùng rời khỏi thị trấn vào giữa tháng 12/2020.
Thanh lọc sắc tộc ở Tigray
Những nạn nhân vụ thảm sát tại khu vực nhà thờ Maryam Dengelat là một phần trong hàng nghìn người đã bị sát hại kể từ khi Thủ tướng Abiy phát động chiến dịch thanh lọc sắc tộc tại Tigray từ tháng 11/2020, theo báo New York Times.
Trên danh nghĩa, mục tiêu của Thủ tướng Abiy là Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF), lực lượng từng lãnh đạo Ethiopia suốt 30 năm trước khi ông Abiy lên nắm quyền năm 2018.
Liên Hợp Quốc cho biết đã nhận được vô số báo cáo về tình trạng "giết người bừa bãi, bạo lực tình dục, cướp bóc, hành quyết hàng loạt, ngăn cản cứu trợ nhân đạo" tại các khu vực giao tranh.
Nhiều cáo buộc cho biết lực lượng chịu trách nhiệm cho tình trạng nói trên là các binh sĩ đến từ nước láng giềng Eritrea và các tay súng dân quân địa phương - đồng minh của Thủ tướng Abiy.
Eritrea là đối thủ lâu năm với Ethiopia khi TPLF còn nắm quyền. Tuy nhiên, sau khi hai nước đạt được thỏa thuận hòa bình năm 2018, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki trở thành đồng minh với Thủ tướng Abiy và cùng nhau chống lại kẻ thủ chung - TPLF.
Ngoài lực lượng Eritria, quân đội của Thủ tướng Abiy cũng nhận được sự hỗ trợ của lực lượng dân quân vũ trang Amhara từ lâu là kẻ thù của TPLF.
Khi chiến sự nổ ra, lực lượng dân quân Amhara đã tràn vào Tigray và giúp phe chính phủ giành quyền kiểm soát nhiều khu vực.
Lực lượng Eritrea và các tay súng Amhara hiện đối mặt những cáo buộc nghiêm trọng nhất gồm cưỡng hiếp, cướp bóc và thảm sát, có thể cấu thành tội ác chiến tranh, các chuyên gia nhận định.
Trong báo cáo về tình hình tại Tây Tigray, khu vực hiện phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng Amhara, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang có một chiến dịch nhằm diệt chủng sắc tộc người Tigray dưới vỏ bọc chiến tranh.
Báo cáo ghi lại tình trạng người Tigray bị tấn công, nhà của họ bị cướp bóc và đốt phá. Một số người bỏ chạy vào rừng hoặc vượt biên trái phép sang nước láng giềng Sudan. Những người khác bị bắt, bị sát hại hoặc bị ép định cư tới khu vực khác.
Ngược lại, các thị trấn với phần đông người Amhara sinh sống đang phát triển thịnh vượng, các cửa hàng quán bar, trung tâm thương mại luôn sầm uất, báo cáo cho biết.
Trong khi đó, báo cáo được Tổ chức Ân xá quốc tế công bố hôm 26/2 tiết lộ về tình trạng thảm sát ở thị trấn Axum, miền bắc Ethiopia. Tại đây, các binh sĩ Eritrea lục soát từng ngôi nhà, nổ súng vào thường dân trên đường phố, hành quyết bừa bãi đàn ông và trẻ em nam.
Khi các vụ nổ súng lắng xuống, người dân tìm cách mang thi thể các nạn nhân về nhà cũng bị lực lượng này sát hại.
Hiện nay, nhiều báo cáo cho biết nạn đói đang ngày càng nghiêm trọng ở Tigray. Theo Trung tâm Điều phối khẩn cấp Tigray, ít nhất 4,5 triệu người sống ở khu vực này cần cứu trợ lương thực khẩn cấp.
Báo cáo do chính quyền địa phương Tigray công bố hôm 2/2 cho biết ít nhất 21 người chết vì đói ở quận Gulomokeda, phía tây của Tigray. Con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, các quan chức cứu trợ địa phương cảnh báo.
"Hôm nay số người chết đói chỉ là một, hai hoặc ba, nhưng sau một tháng, nó có thể lên đến hàng nghìn. Và sau hai tháng, số người chết sẽ lên đến hàng chục nghìn", Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Ethiopia Abera Tola cảnh báo.
Cộng đồng quốc tế nổi giận
Hôm 23/2, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuyên bố tình hình ở Tigray "vượt xa khỏi tầm kiểm soát", sau khi ông này trở về từ chuyến đi xác minh thực tế ở Ethiopia và Sudan.
Hồi tháng 1, Cao ủy Chính sách Đối ngoại và An ninh Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell cảnh báo dấu hiệu của tội ác chiến tranh đang diễn ra ở Tigray, đồng thời cho biết cuộc khủng hoảng này có thể gây bất ổn cho toàn khu vực.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đình chỉ khoản cứu trợ 110 triệu USD cho chính quyền trung ương Ethiopia.
Các quan chức Liên Hợp Quốc ước tính các nhóm cứu trợ quốc tế chỉ có thể tiếp cận 20% khu vực, nguyên nhân từ các biện pháp hạn chế do chính phủ trung ương Ethiopia áp đặt.
Hôm 4/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Thủ tướng Abyi, yêu cầu Ethiopia cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo tiếp cận Tigray. Washington cũng đã yêu cầu Eritrea rút hết lực lượng quân sự khỏi khu vực Tigray.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/le-hoi-bien-thanh-tham-sat-kinh-hoang-o-ethiopia-post1187824.html