Lễ hội Cầu ngư – Nét đẹp văn hóa của ngư dân Khánh Hòa
Chiều 14/3, UBND thành phố Nha Trang tổ chức Lễ hội Cầu ngư và hội Bài Chòi thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, trải nghiệm.
Lễ hội Cầu ngư và hội Bài Chòi năm nay với chủ đề “Nha Trang, Khánh Hòa - Ký ức miền thùy dương” nhằm kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (22/4/2009 – 22/4/2024).
Lễ hội đã tái hiện lại nét đẹp lao động của cư dân vùng biển dưới các hình thức trò diễn dân gian, tế lễ, các loại hình nghệ thuật truyền thống… Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nhất là giá trị nghệ thuật của hình thức lễ hội đặc sắc của người dân miền biển Nha Trang - Khánh Hòa, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phi vật thể Bài Chòi dân gian.
Tham gia Lễ hội Cầu ngư, người dân và du khách được hòa mình vào bầu không khí sôi nổi, rộn ràng do hơn 200 ngư dân đến từ hai phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường và các nghệ nhân, nghệ sỹ trên địa bàn thành phố thực hiện.
Lễ hội Cầu ngư với tiến trình gồm: Lễ Rước Sắc, lễ Nghinh Ông, trò diễn Hò Bá Trạo, lễ Tỉnh Sanh, lễ Tế Chánh, Thứ lễ và Tôn vương…
Ông Nguyễn Quốc Anh, một người dân sống tại phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang chia sẻ, tôi đã tham gia Lễ hội Cầu ngư từ nhiều năm nay, là người con miền biển nên Lễ hội Cầu ngư như một ngày lễ truyền thống của gia đình chúng tôi vậy. Ngoài yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, Lễ hội còn góp phần phát huy giá trị văn hóa, dân gian thông qua các hoạt động nghệ thuật.
“Tôi hy vọng lễ hội sẽ truyền cảm hứng và kiến thức về truyền thống này cho các thế hệ tiếp theo” - Ông Quốc Anh chia sẻ thêm.
Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải. Ông Nam Hải là cách gọi trang nghiêm của người dân vùng biển miền Nam Trung bộ dành cho cá voi – loài cá tượng trưng cho điềm lành với thân hình to lớn, thường cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển. Người dân xem cá voi là một trong những vị thần biển linh thiêng. Khi cá chết trôi dạt vào bờ, dân làng chài thường làm tang lễ long trọng và thờ ở Lăng Ông.