Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 19/2, tại Chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, UBND huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 4/8/2022.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau võ cổ truyền Bình Định, hát bội Bình Định và nghệ thuật bài chòi Bình Định.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 (âm lịch); có thể ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu hay đủ và có thể kéo dài thêm 2 hoặc 3 ngày của tháng 2 âm lịch.
Đến nay, lễ hội đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình mới. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người dân.
Lễ hội còn có lễ nghinh thần rước sắc - rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng đắp bờ; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc… nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.
Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hội đánh bài Chòi, hát tuồng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết việc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.
Cảng thị Nước Mặn ra đời vào đầu thế kỷ 17, là một cảng thị lớn, quan trọng và sầm uất ở Đàng Trong khi đó. Cảng có nhiều khu phố buôn bán tấp nập, thu hút các thương nhân nước ngoài lui tới, đánh dấu đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong.
Chùa Bà được xây dựng tại Cảng thị Nước Mặn vào khoảng đầu thế kỷ 17, với quy mô ban đầu chỉ là ngôi miếu đơn sơ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Sau này phố cảng Nước Mặn ngày càng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn, từ đó tên gọi “Chùa Bà” ra đời.
Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung cho cả người Việt lẫn các sắc tộc đã định cư nơi này lúc bấy giờ.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn dần hình thành và được duy trì, lưu truyền cho đến ngày nay. Chùa Bà được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2010.