Lễ hội chùa Hương: Văn minh, thân thiện, bảo đảm an toàn cho du khách
Đổi mới công tác quản lý, tổ chức, bảo đảm an toàn cho du khách, lễ hội văn minh, thân thiện… Đó là những thông tin, ghi nhận trong ngày khai hội chùa Hương do huyện Mỹ Đức tổ chức tại chùa Thiên Trù (xã Hương Sơn) sáng 3-2.
Dự Lễ khai hội chùa Hương có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Bảo đảm an toàn, ấn tượng về lễ hội
Dù thời tiết có mưa và rét, nhưng ngày 3-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ) hơn 20 nghìn khách thập phương vẫn đổ về dự Lễ khai hội chùa Hương. Hàng trăm người thuộc lực lượng chức năng của huyện Mỹ Đức và Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương có mặt từ 5h sáng làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn phương tiện giao thông vào điểm dừng đỗ, hướng dẫn du khách mua vé thắng cảnh, xuống thuyền đò di chuyển vào khu vực lễ hội… Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, nên tất cả các tuyến đường, khu vực lễ hội không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, ùn ứ khách…
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Lã Thị Khuyên (trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) phấn khởi cho biết, điểm nổi bật của mùa lễ hội năm nay là đường từ quận Hà Đông đến khu vực lễ hội đã được mở rộng, thông thoáng, không xuất hiện hiện tượng người điều khiển xe máy bám ô tô để mời đi thuyền đò. Trong khu vực lễ hội, du khách được hướng dẫn nơi gửi xe, mua vé thắng cảnh, xe điện, thuyền đò…
“Tôi ấn tượng việc Ban Tổ chức lễ hội công khai bảng giá và tích hợp vé điện tử thắng cảnh với dịch vụ thuyền đò. Đặc biệt, Ban Tổ chức bán vé bù tải, bảo đảm thu nhập của lái đò, không xảy ra hiện tượng lái đò vòi thêm tiền của du khách. Hơn nữa, trên các thuyền đò bố trí đủ ghế ngồi, giỏ đựng rác, miễn phí nước uống, sử dụng ô che mưa, che nắng… Trên các thuyền đò có gắn mã QR để du khách dễ dàng phản ánh với Ban Tổ chức về thái độ phục vụ của lái đò…”, bà Nguyễn Thị Thắng (du khách ở tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) hồ hởi nói.
Thượng tá Giáp Thành Trung, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, để bảo đảm an toàn cho du khách về Lễ hội chùa Hương 2025, Công an huyện đã trưng tập hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an huyện và các xã, thị trấn làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; thường xuyên tuần tra, kiểm soát phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý hoạt động trộm cắp, móc túi, lừa đảo, ép khách, ép giá, xin tiền, cưỡng đoạt tài sản, đổi tiền lẻ, gây rối trật tự công cộng…
“Trước ngày khai hội chùa Hương năm 2025, Công an huyện Mỹ Đức đã răn đe các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn xã Hương Sơn; tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật và của Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương; yêu cầu các trường hợp có xuồng, đò không bán hàng rong trên dòng suối Yến; 100% cơ sở kinh doanh trong lễ hội trang bị bình chữa cháy…”, Thượng tá Giáp Thành Trung thông tin thêm.
Theo Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Bùi Văn Triều, Lễ hội chùa Hương năm nay, Ban Tổ chức huy động hơn 550 người làm nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền du khách tham gia lễ hội văn minh, văn hóa. Tại các khu vực bến xe, bến thuyền đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. 110 xe điện của Công ty cổ phần Chùa Hương xanh sẵn sàng phục vụ dịch vụ vận chuyển du khách từ 4 bến đỗ ô tô, xe máy về Bến đò Yến Vĩ. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai…
Để tránh ách tắc, quá tải trong những ngày diễn ra lễ hội, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cấp 4 bến, bảo đảm nơi đỗ hơn 5.000 ô tô vận chuyển 60.000 khách/ngày. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí 10 cổng kiểm soát vé thuyền đò, thắng cảnh dọc bờ suối Yến...
Điểm đến du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện
Thông tin tại lễ khai hội chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2025 Đặng Văn Cảnh cho biết, huyện Mỹ Đức hiện có 282 di tích. Trong đó có 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 92 di tích xếp hạng cấp thành phố; 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 60 di sản văn hóa phi vật thể cấp thành phố, 67 lễ hội truyền thống và nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị đặc sắc, tiêu biểu như: Du lịch văn hóa Lễ hội chùa Hương, Lễ hội đôi dân Văn Giang - Nam Dương; nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối cạn Tế Tiêu, cồng chiêng An Phú…
Đặc biệt, quần thể di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, tâm linh và du lịch, với 21 điểm di tích có động, có đền, có chùa, có suối, có non, có đồng, có bãi… Mỗi điểm di tích là một di sản văn hóa Phật giáo vô giá... Với những giá trị đó, ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận quần thể thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 24-9-2024, UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận quần thể Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là khu du lịch cấp thành phố...
Để xứng tầm khu du lịch cấp thành phố, huyện Mỹ Đức đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới cách quản lý bến bãi gửi xe, xuồng đò; sắp xếp lại mặt bằng dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ cũng như điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian mang bản sắc truyền thống để tuyên truyền, quảng bá phục vụ du khách khi về với đất Phật - chùa Hương.