Lễ hội Chùa Láng: Tôn vinh giá trị văn hóa di sản truyền thống

Lễ hội truyền thống chùa Láng sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/4/2023 (tức từ mùng 6 – 8/3 năm Quý Mão). Lần đầu tiên sau 70 năm, lễ hội chùa Láng sẽ phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian đã làm nên nét độc đáo riêng có của hội Xuân xưa vùng kẻ Láng.

Năm 2023 (tức sau 70 năm), Lễ hội chùa Láng sẽ được phục dựng hoàn toàn nhằm tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa độc nhất vô nhị của đất và người vùng kẻ Láng thuộc kinh thành Thăng Long xưa.

Màn trống hội tại lễ hội chùa Láng năm 2022. (Ảnh: Minh An)

Màn trống hội tại lễ hội chùa Láng năm 2022. (Ảnh: Minh An)

Lưu giữ nhiều giá trị độc đáo

Chùa Láng, tên chữ Hán (Chiêu Thiền Tự) là một ngôi chùa cổ ở làng Láng. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 - 1175) và từng được coi là ‘‘Đệ nhất tùng lâm’’ trên vùng đất phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Chùa nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội với diện tích 17.917m2.

Khuôn viên của chùa khá rộng, gồm quần thể các công trình kiến trúc được bố cục trên một trục chính đạo. Từ ngoài vào phải đi qua ba lớp cổng, khu sân chùa lát gạch Bát Tràng cổ, giữa sân có nhà Bát Giác, hai bên là hai dãy Dải Vũ song song. Kiến trúc chính của chùa được làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm tòa Tiền Đường, Phương Đình, Trung Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Hai bên Thượng điện có hai dãy Hành Lang, phía sau có nhà Chuông, nhà Khánh, khu thờ Mẫu, thờ Tổ, Tả - Hữu Mạc và khu vườn Tháp ở phía sau chùa.

Tương ứng với quy mô kiến trúc, hiện vật của di tích vô cùng phong phú và đa dạng gồm: văn bia, minh chuông, khánh, hoành phi, câu đối, cửa võng, sắc phong, tượng thờ…phản ánh quá trình tồn tại và phát triển của di tích qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau.

Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, lễ hội chùa Láng đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019.

Với đặc điểm của ngôi chùa “Tiền Phật Hậu Thánh”, các hiện vật trong chùa cũng đa dạng, phong phú và phản ánh khá đậm nét nội dung, tính chất thờ cúng của di tích. Với tổng số 198 pho tượng Phật lớn nhỏ được sắp xếp theo quy định của một ngôi chùa Việt cổ, chùa Láng như một bảo tàng mỹ thuật với đầy đủ các bộ tượng được tạo tác đẹp, chau chuốt như bộ tượng Tam Thế Phật, Quan Âm Chuẩn Đề, A Di Đà, Ngọc Hoàng – Kim Đồng - Ngọc Nữ… đạt tính chuẩn mực cao, có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX.

Hình ảnh từ bên ngoài nhìn vào bên trong chùa Láng.

Hình ảnh từ bên ngoài nhìn vào bên trong chùa Láng.

Ngoài tượng Phật, tính chất “đền thờ” thể hiện khá đậm nét thông qua hệ thống di vật liên quan đến “Đức Thánh Láng”. Đó là hai pho tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm bằng mây cuộn được phủ sơn thếp - một trong những kiệt tác hiếm thấy ở Việt Nam và tượng Lý Thần Tông bằng gỗ đặt ngồi trong khám được tạo tác ở thế kỷ XIX đã góp phần tạo cho di tích chùa Láng trở nên đặc biệt và độc đáo so với những ngôi chùa trong vùng.

Đáng lưu tâm, chùa còn lưu giữ được 12 đạo sắc phong cho Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (trong đó có 3 sắc thời Hậu Lê, một sắc thời Tây Sơn, 8 sắc thời Nguyễn) cùng 15 tấm bia đá, chuông đồng, khánh đồng, hoành phi, cuốn thư, câu đối… niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Từ xưa đến nay, chùa Láng vẫn được coi là trung tâm của hệ thống di tích liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh, như: chùa Nền tương truyền chính là nhà của Từ Đạo Hạnh. Chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ Thân Mẫu của Ngài. Chùa Tam Huyền nơi thờ Thân Phụ của Ngài. Chùa Thầy nơi tu hành đắc đạo của Thiền sư Từ Đạo Hạnh...

Các cụ cao niên trong làng luyện tập cho màn trống hội tại lễ hội chùa Láng năm 2023.

Các cụ cao niên trong làng luyện tập cho màn trống hội tại lễ hội chùa Láng năm 2023.

Khôi phục các nghi thức truyền thống

Theo Chủ tịch UBND phường Láng Thượng Phạm Thị Hồng Hải, lễ hội truyền thống chùa Láng sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/4/2023 (tức từ mùng 6 – 8/3 năm Quý Mão). Lần đầu tiên sau 70 năm, lễ hội chùa Láng sẽ phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian đã làm nên nét độc đáo riêng có của hội xuân xưa vùng kẻ Láng. Việc phục dựng nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Láng và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, khách thập phương.

Hội Láng diễn ra chủ yếu tại chùa Láng, song còn có một số nghi thức được thực hành tại những điểm di tích trên hành trình đoàn rước kiệu đi qua nhằm tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong đó có nghi thức “đấu thần” diễn ra tại chùa Thánh Tổ - nơi thờ Pháp sư Đại Điên. Đây là cuộc “đấu pháo” độc nhất vô nhị, mô phỏng lại trận đấu giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên với các tràng pháo thăng thiên kéo dài trong nửa tiếng đồng hồ từ đoàn rước hướng sang chùa Thánh Tổ và ngược lại.

Ngoài ra, Hội Láng còn có nghi thức “độ hà”, được thực hiện bằng việc trai đinh khiêng kiệu lội qua sông Tô Lịch chứ không đi trên cầu hàm ý “con không đi trên đầu cha” do trước kia cụ thân sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh bị người xấu sát hại và vứt xác xuống sông. Hành trình rước kiệu Thiền sư còn đi qua nhiều điểm di tích khác như: Chùa Nền, chùa Tam Huyền, chùa Hoa Lăng… trước khi quay trở lại điểm xuất phát. Ở mỗi điểm đến đều diễn ra những hoạt động sôi nổi khác nhau để mừng hội Láng.

Các cụ cao niên trong làng luyện tập để chuẩn bị cho lễ khai hội chùa Láng năm 2023.

Các cụ cao niên trong làng luyện tập để chuẩn bị cho lễ khai hội chùa Láng năm 2023.

Tại chùa Láng, khi kiệu rước trở lại cũng là lúc các trò vui được tiến hành khắp nơi. Người dân sau khi lễ Phật, lễ thánh sẽ tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, tạo nên không khí sôi động khắp một vùng.

Có thể nói, chùa Láng đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của văn hóa dân tộc. Sự hiện diện của ngôi chùa là bằng chứng khẳng định giá trị trường tồn của di tích ở vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long về sự dung hòa giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo, về dấu ấn độc đáo của những ngôi chùa dạng “Tiền Phật Hậu Thánh” trong lịch sử Phật giáo Việt nam dưới thời nhà Lý. Ngôi chùa từng là nơi hội tụ các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… của nhiều học giả trong và ngoài nước.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/le-hoi-chua-lang-ton-vinh-gia-tri-van-hoa-di-san-truyen-thong.html