Lễ hội đầu xuân và ước nguyện của người nông dân

Trong không khí sôi nổi, phấn khởi, rộn ràng của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Ất Tỵ năm 2025 (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên), trò chuyện với chúng tôi bác Nguyễn Văn Cương, xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên vui vẻ cho biết: Tại lễ hội Tịch điền, một trong những nghi thức đặc biệt quan trọng được đông đảo người dân đón xem đó là nghi thức cày tịch điền để khởi đầu mùa vụ mới. 16 năm qua, từ khi Lễ hội Tịch điền được phục dựng và tổ chức (năm 2009), tôi rất vui, phấn khởi và tự hào bởi năm nào gia đình tôi cũng có trâu tham gia nghi thức cày tịch điền tại Đọi Sơn.

Năm nay đã bước sang tuổi 70, cả đời gắn bó với đồng ruộng nên bác Cương tận tường tất cả những nỗi vất vả, khó nhọc của người nông dân. Làm nông ngày trước vất vả lắm - bác Cương nói. Làm đất, gieo cấy, thu hoạch... đều làm thủ công nên mất rất nhiều công sức, hiệu quả lại không cao. Không có máy làm đất, máy gặt... trâu giúp nông dân cày, bừa, kéo lúa... Ngày ấy, con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp”, là người bạn thân thiết của người nông dân.

Một vị cao niên nhập linh khí quân vương cày Tịch điền tại lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2025. Ảnh: Lê Dũng

Một vị cao niên nhập linh khí quân vương cày Tịch điền tại lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2025. Ảnh: Lê Dũng

Ngày nay, máy móc thay sức trâu, bò; giải phóng sức lao động cho người nông dân trên đồng ruộng. Không cần trâu, bò để phục vụ sản xuất, hơn 30 năm qua, gia đình bác Cương duy trì nuôi trâu sinh sản để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. Từ năm 2009, khi Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng và tổ chức, nhờ chăm sóc tốt, năm nào trâu nhà bác Cương cũng được chọn là trâu cày tại lễ hội. Bác Cương chia sẻ: Nghề nông phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, trước kia và bây giờ đều vậy. Nông dân chúng tôi vẫn nói vui với nhau “trời cho sao thì được vậy!”... Mùa xuân là mùa của những khởi đầu mới, như bao người nông dân khác, năm nào tham gia Lễ hội Tịch điền tôi cũng mong cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, đem đến những mùa màng bội thu cho người nông dân.

Hơn chục năm qua, đúng ngày mùng 7 tháng Giêng, trong không khí vui đón xuân mới, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh nô nức về dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn - Lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân noi theo các bậc tiền nhân đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất trên đồng đất quê hương Lễ hội Tịch điền đã tạo được khí thế và động lực thúc đẩy nông dân bước vào vụ sản xuất mới với nỗ lực và quyết tâm cao. Bên cạnh mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, về dự lễ hội nông dân còn thể hiện quyết tâm hoàn thành gieo cấy vụ mới trong khung thời vụ tốt nhất, bảo đảm năng suất, chất lượng cao.

Không chỉ ở Đọi Sơn, đầu xuân năm mới nhiều làng quê ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tưng bừng mở hội. Trong lễ hội, phần trang nghiêm và linh thiêng nhất là nghi lễ tế Thánh cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, khoai xanh lúa tốt, mùa màng thuận lợi, làng xóm bình yên... Hội làng diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới đúng thời điểm gieo cấy vụ lúa xuân. Năm nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều nơi nông dân tập trung ra đồng cấy lúa từ ngày mùng 4 Tết. Dù công việc bận rộn nhưng ngày làng mở hội nông dân vẫn sắp xếp, tranh thủ thời gian tham gia đông đủ. Trong âm vang rộn rã, tưng bừng của tiếng trống hội, nói về mong ước, nhiều bác nông dân cùng chung quan điểm: Ước nguyện của nông dân chúng tôi đơn giản và bình dị lắm. Làm nghề nông, cả đời gắn bó với đồng ruộng, năm nào cũng vậy, đầu xuân năm mới, khi làng mở hội, chúng tôi luôn mong cầu một năm mưa thuận gió hòa để nông dân có thêm những mùa vàng thu hoạch, xây dựng cuộc sống no đủ, ngày càng khá giả hơn...

Những ngày cuối tháng Giêng, trên các cánh đồng lúa xuân bắt đầu lên xanh trong làn mưa xuân giăng mắc. Một mùa vụ mới đã bắt đầu đem đến niềm hy vọng và niềm tin tưởng vào vụ sản xuất mới, với thắng lợi mới cho người nông dân.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/le-hoi/le-hoi-dau-xuan-va-uoc-nguyen-cua-nguoi-nong-dan-149008.html