Lễ hội đình làng Hạ Hiệp: Hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa qua bao thế kỷ

Ngày 12 tháng 3 năm Ất Tỵ (tức 9/4/2025), tại đình làng Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, không khí rộn ràng đã phủ kín từ tờ mờ sáng. Người dân từ khắp nơi nô nức trở về dự hội - một sự kiện thường niên không chỉ để tưởng niệm vị Thành hoàng Hoàng Đạo Thường Sĩ Đại Vương, mà còn để cùng nhau 'giữ hồn làng' giữa những chuyển mình của thời đại.

Hoàng Đạo Thường Sĩ Đại Vương - vị tướng của nhân dân

Theo thần tích và các sắc phong còn lưu giữ tại đình Hạ Hiệp, Hoàng Đạo Thường Sĩ Đại Vương - còn được biết đến là Tướng quân Hoàng Đạo - là một trong những vị tướng tài dưới trướng Hai Bà Trưng.

Ông quê gốc vùng Hạ Hiệp, từng chiêu mộ dân binh tại ba thôn Hiệp Lộc, Yên Dục và Hạ Hiệp để dựng cờ khởi nghĩa đánh Tô Định, giữ yên vùng đất phía Tây kinh thành.

Bảng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Ảnh: Thảo Thảo

Bảng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Ảnh: Thảo Thảo

Sau khi thất bại trong trận cuối, ông lui quân và hy sinh tại vùng bãi ven sông Đáy thuộc làng Hạ Hiệp.

Cảm phục lòng trung nghĩa, triều đình các thời phong ông là Hiển Đức Chí Công Đại Vương, Thượng đẳng thần, và cho lập đền miếu, đình thờ phụng. Đình Hạ Hiệp - nơi tổ chức lễ hội hằng năm - là một di tích lịch sử có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991 và được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2020.

Phần lễ: Trang nghiêm giữa lòng làng cổ

Đoàn tế lễ với trang phục trang trọng áo the, khăn xếp. Ảnh: Thảo Thảo

Đoàn tế lễ với trang phục trang trọng áo the, khăn xếp. Ảnh: Thảo Thảo

Ngay từ sáng sớm, các cụ cao niên trong trang phục áo the, khăn xếp cùng các đoàn tế lễ đã chuẩn bị sẵn sàng cho nghi lễ chính: rước bài vị Thành hoàng. Đoàn rước với đủ nghi thức cổ truyền - kiệu sơn son thếp vàng, lọng ngũ sắc, nhạc bát âm, đội tế nam quan - nữ quan - diễu hành qua các trục đường chính của làng, mang lại không khí linh thiêng mà ấm áp.

Tiếng trống như thúc giục, gợi nhớ về một thời hào hùng. Ảnh: Thảo Thảo

Tiếng trống như thúc giục, gợi nhớ về một thời hào hùng. Ảnh: Thảo Thảo

Tại sân đình, lễ tế chính được tổ chức long trọng với chúc văn ca ngợi công đức vị thần và cầu cho “quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, dân cư yên ổn”. Mùi hương trầm quyện khói, tiếng trống chiêng vọng về quá khứ, như đưa người xem trở lại những ngày đầu lập ấp, giữ đất của tổ tiên.

Hòa mình vào dòng người tham dự lễ hội. Ảnh: Thảo Thảo

Hòa mình vào dòng người tham dự lễ hội. Ảnh: Thảo Thảo

Chị Đỗ Thị Xuân, 37 tuổi - giáo viên, người dân thôn 7 chia sẻ: “Tôi dạy học sinh về lịch sử qua sách vở, nhưng khi đưa các em đến lễ hội, tôi thấy ánh mắt các em sáng lên. Vì ở đây, các em không chỉ học, mà được sống trong văn hóa - tận tay thắp hương, tận tai nghe tiếng trống hội, tận mắt xem múa rồng rước kiệu. Giáo dục truyền thống chính là như thế.”

Phần hội: Nơi truyền thống sống dậy

Các em học sinh được trực tiếp tham gia vào đoàn rước kiệu. Ảnh: Thảo Thảo

Các em học sinh được trực tiếp tham gia vào đoàn rước kiệu. Ảnh: Thảo Thảo

Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội tưng bừng diễn ra suốt cả ngày. Sân đình biến thành không gian hội làng đúng nghĩa, với những trò chơi dân gian rộn rã tiếng cười: kéo co, đánh đu, đi cầu phao, bắt vịt dưới ao, thi nấu cỗ… Đặc biệt thu hút là các màn biểu diễn múa lân - sư - rồng, múa hạc gỗ, hý cầu, cùng các tiết mục ả đào và chèo cổ sân đình - những giá trị văn hóa đang được hồi sinh nhờ tâm huyết của cộng đồng.

Chị Đỗ Thị Hà, thôn 10, xã Liên Hiệp, chia sẻ: “Trẻ con thì háo hức đợi múa lân, người lớn thì mong được dâng hương. Mỗi lần hội là mỗi lần làng sống dậy theo đúng nghĩa.”

Dòng người nô nức kéo về Quán Dâu

Dòng người nô nức kéo về Quán Dâu

Anh Đỗ Hữu Thuấn, 29 tuổi, công nhân, người đi làm ăn xa về dự hội: “Tôi làm trên Hà Nội quanh năm, bận rộn lắm, nhưng đến 12 tháng 3 Âm lịch là bỏ hết về quê. Vì ở thành phố người ta đi lễ cầu tài, còn về đình làng mình là để tạ ơn tổ tiên, để không quên mình là ai. Ngày hội không chỉ là một nghi thức - mà là một lời nhắc về gốc gác của mỗi người.”

Một ngày hội - một lời nhắc
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng của vùng ven đô Hà Nội, lễ hội đình làng Hạ Hiệp vẫn là một trong số ít các lễ hội làng giữ nguyên được hồn cốt Bắc Bộ: Lễ nghi chuẩn mực, hội làng gắn kết cộng đồng và niềm tin vào tổ tiên. Đây không chỉ là nơi trở về của những người con xa quê, mà còn là nơi truyền thống được nối dài, sống động và chân thực.

Các tuyến đường tràn ngập cờ và hoa. Ảnh: Thảo Thảo

Các tuyến đường tràn ngập cờ và hoa. Ảnh: Thảo Thảo

Lễ hội Hạ Hiệp không ồn ào hiện đại hóa, không chạy theo xu hướng thương mại mà âm thầm gìn giữ cái đẹp bình dị nhưng sâu sắc của văn hóa làng. Trong ánh mắt con trẻ dõi theo múa lân, giữa những cụ già lặng lẽ chắp tay bên bàn thờ, ta thấy rõ: truyền thống và hiện đại không triệt tiêu nhau, mà đang song hành trong niềm tin, sự kế thừa và lòng tự hào dân tộc.

Thảo Thảo

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-dinh-lang-ha-hiep-hanh-trinh-gin-giu-ban-sac-van-hoa-qua-bao-the-ky-a28259.html