Lễ hội Đình Thi và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/4

Lễ hội Đình Thi là lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân, trong 2 ngày 12 và 13/4/2025 (tức 15 và 16/3 âm lịch), huyện Như Xuân sẽ tổ chức lễ hội Đình Thi và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi thức tế tại lễ hội Đình Thi.

Nghi thức tế tại lễ hội Đình Thi.

Đình Thi ở làng Trung Thành, xã Yên Lễ (nay là khu phố Trung Thành, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Đình Thi là nơi thờ danh tướng Lê Phúc Thành thời hậu Lê, người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống giặc Minh gian khổ. Sau khi đất nước khải hoàn, ông được phong lộc điền ở làng Sẹt, giữ trọng trách quan lang, tập hợp, chiêu mộ dân binh và những người trong vùng về đây “khai sơn phá thạch” biến rừng cây rậm rạp và đầm lầy hoang vu thành xóm làng trù phú.

Đình được xây dựng vào năm 1495, thời Lê sơ, được Nhân dân trong làng trông coi và thờ cúng quanh năm. Trải qua thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đình cũ đã bị hoang phế được tu bổ và xây dựng vào đầu thế kỷ XXI. Năm 2007, Đình Thi được tôn tạo và rước thần vị của danh tướng Lê Phúc Thành về thờ trên ngôi đình cũ. Trải qua các triều đại phong kiến triều đình Việt Nam đều có sắc phong cho danh tướng. Đình hiện còn lưu giữ hai sắc phong triều Nguyễn do vua Khải Định ban vào năm 1922 và vua Bảo Đại ban vào năm 1934. Những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Đình Thi đã được đầu tư, tôn tạo xứng tầm và là nơi không chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng văn hóa làng xã.

Toàn cảnh Đình Thi nhìn từ trên cao.

Toàn cảnh Đình Thi nhìn từ trên cao.

Theo Kế hoạch số 50/KH-UBND, trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức như rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống, dâng trâu tế lễ.

Trong đó, phần lễ tế cáo được tổ chức theo phong tục truyền thống từ 15h00 phút đến 16h00 phút, ngày 12/4 (tức 15/3 âm lịch). Phần tế lễ dâng trâu được diễn ra cúng tế từ 0h00 phút đến 0h30 phút, ngày 13/4 (tức 16/3 âm lịch). Sáng 13/4 (tức 16/3 âm lịch) diễn ra hoạt động rước kiệu từ đình đến khu mộ thành hoàng và ngược lại được tổ chức từ 07h30 đến 08h30. Hoạt động tế chính lễ được tổ chức cúng tế từ 08h30 đến 09h30 ngày 13/4 (tức 16/3 âm lịch). Phần hội có một số hoạt động như các trò chơi, trò diễn dân gian; giao lưu văn nghệ quần chúng; và các hoạt động thể dục - thể thao thi đấu bóng chuyền da nữ tại sân đình.

Các trò chơi trò diễn tại lễ hội.

Các trò chơi trò diễn tại lễ hội.

Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản hoàn tất, Ban Tổ chức lễ hội đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị thành viên liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ. Đồng thời, huyện chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tuyên truyền trực quan để quảng bá rộng rãi về giá trị của Lễ hội Đình Thi là Di sản văn hóa, phi vật thể quốc gia.

Đây là dịp để Nhân dân và du khách tôn vinh tưởng nhớ, công lao của Tướng quân Lê Phúc Thành. Thông qua lễ hội nhằm gìn giữ các giá trị vǎn hóa cho thế hệ sau, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn cho người dân địa phương. Đồng thời là dịp để quảng bá rộng rãi tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Như Xuân đến đông đảo bạn bè, du khách.

Dương Bích (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/le-hoi-dinh-thi-va-don-nhan-bang-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-se-dien-ra-trong-2-ngay-12-va-13-4-nbsp-244178.htm