Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Ngày 27/4, tại Lý Sơn, chính quyền và nhân dân địa phương hồ hởi tổ chức Lễ đón nhận Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn đã tồn tại, trải qua gần 200 năm vẫn được bảo tồn và phát huy.
Dù trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ( Long, Ly. Quy, Phụng) ở Lý Sơn vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy đến tận ngày nay, người dân Lý Sơn còn lưu truyền câu ca "Mùng bốn có hội đua ghe, cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng", câu ca lưu truyền trong cuộc sống của người dân đảo tiền tiêu Lý Sơn từ bao đời nay thể hiện ý nghĩa to lớn của lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức vào các dịp lễ tết và sự kiện quan trọng của địa phương.
Theo các bô lão ở Lý Sơn, Lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1827 khi các tộc họ từ đất liền ra khai khẩn mở mang đất đảo, Lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức từ ngày mồng 4 -8 tết nguyên đán hàng năm, với mục đích cầu mong thần linh che chở, phò trợ, cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt, đồng thời thông qua lễ hội đua thuyền tứ linh, các tộc họ trên đảo sẽ chọn ra những trai đinh khỏe mạnh, can trường để sung vào đội dân binh Hoàng Sa – Trường Sa có nhiệm vụ giong thuyền ra khơi dựng bia, cắm mốc xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi. Từ thời tuân mệnh triều Nguyễn dong thuyền mở cõi Hoàng Sa, người Lý Sơn tại các làng đã chọn ra những chàng trai khỏe nhất và giỏi bơi lội nhất tham gia tranh đua giữa các làng. Từ cuộc tranh đua này chọn ra những người giỏi nhất để đi Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều nhà Nguyễn năm 1827, nội dung này được ghi chép tại gia phả của các tộc họ trên đảo.
Ông Phạm Thoại Tuyền, 72 tuổi, hậu duệ đời thứ 7 Chánh cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, người am hiểu văn hóa Lý Sơn cho rằng, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn không đơn thuần là một môn thể thao mà còn mang tính tâm linh, bởi các thuyền đua được chọn đều là những con vật tượng trưng cho sức mạnh. “Thuyền đua cũng có linh hồn và là yếu tố quyết định sự thành bại trong một cuộc đua. Việc đóng thuyền mới và sửa chữa thuyền cũ phải hoàn thành vào đầu tháng chạp, sau đó chọn ngày lành để làm lễ hạ thủy trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức cổ xưa, Trước khi tham dự hội đua thuyền, đại diện các tộc họ trong làng đến đình làng làm lễ cáo Thành hoàng và các vị tiền hiền, xin phép mở hội. Các vận động viên của đội thuyền đua là những ngư dân mạnh khỏe, giỏi nghề biển. Mỗi thuyền đua có 21-24 người, đều là nam giới, tuổi từ 18 đến dưới 50". Ông Tuyền chia sẻ.
Hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn theo được tổ chức từ ngày mồng 4 -8 tết, lễ hội này diễn ra tại đình làng An Hải và An Vĩnh. Khu vực để tổ chức đua ở trên biển ngay trước đình làng, nơi diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của mỗi địa phương. Tuy đã trải qua gần 200 năm nhưng Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn không hề bị mai một và ngày càng phát triển./.