Lễ hội Hoa Lư năm 2023 hấp dẫn du khách với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc

Trong 2 ngày (28 và 29/4), trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư năm 2023 diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống. Các hoạt động diễn ra sôi nổi, tươi vui, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách.

Chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng hấp dẫn với các tiết mục được đầu tư công phu.

Chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng hấp dẫn với các tiết mục được đầu tư công phu.

* Ngày 28/4, tại Đền thờ Vua Lê Đại Hành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi mâm ngũ quả tiến vua với sự tham gia của 8 đội tuyển, đại diện của Hội Phụ nữ các huyện, thành phố trong tỉnh.

Phần thi thuyết minh về chủ đề của mâm ngũ quả. Ảnh: Trường Giang

Tại Hội thi, các đội tuyển trải qua 2 phần thi: Phần thi sắp bày mâm ngũ quả tiến Vua và phần thi thuyết minh về chủ đề của mâm ngũ quả. Chung cuộc, đội tuyển huyện Gia Viễn đạt giải nhất; đội tuyển của huyện Nho Quan và Hoa Lư đạt giải nhì; đội tuyển của thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô đạt giải ba. Giải khuyến khích thuộc về đội tuyển huyện Kim Sơn và Yên Khánh.

Hội thi là dịp để cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay để tạo nên những mâm ngũ quả thanh khiết, sáng tạo, mang tính thẩm mỹ, tỏ lòng thành kính dâng tiến lên các bậc tiên đế, tiền nhân.

* Ngày 29/4, tại Đền thờ Vua Lê Đại Hành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thi thư pháp chữ Hán Nôm.

Hội thi năm nay thu hút 43 thí sinh đăng ký tham dự, trong đó thi sinh cao tuổi nhất là 93 tuổi, thí sinh ít tuổi nhất là 16 tuổi. Ban giám khảo là những học giả, nhà sử học, nhà nghiên cứu, người có uy tín, am hiểu sâu về nghệ thuật thư pháp của tỉnh.

Hội thi thư pháp chữ Hán Nôm thu hút 43 thí sinh ở mọi lứa tuổi tham gia. Ảnh: Trường Giang

Trong phần thi, các thí sinh thực hiện 3 bài thi, gồm: Viết một Đại tự; viết một bức hoành phi và ghi âm đọc; viết một câu đối và ghi âm đọc. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 8 giải tập thể và 18 giải cá nhân.

Qua Hội thi thư pháp chữ Hán Nôm nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, văn hóa chữ viết đặc sắc của người Việt Nam nói chung, của con người và vùng đất Cố Đô nói riêng. Đây cũng là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho những người yêu thích và có năng khiếu viết thư pháp được thể hiện tài năng, đam mê.

*Trong chương trình Hội trại thanh niên, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động như: cuộc thi Cắm hoa nghệ thuật; Nấu cơm nhanh; Đi cầu treo và Nhảy dây đồng đội... thu hút hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.

Hội trại của các đơn vị được trang trí đẹp mắt, mang nhiều ý nghĩa. Ảnh: Trường Giang

Các cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Hội trại thanh niên nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, rèn luyện sự khéo léo và khả năng làm việc theo nhóm cho đoàn viên, thanh niên.

Cuộc thi Cắm hoa nghệ thuật của đoàn viên thanh niên. Ảnh: Trường Giang

Qua các hoạt động ý nghĩa của Hội trại góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ đi trước, khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc; quảng bá những nét đẹp văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.

* Tại Lễ hội, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoa Lư tổ chức Hội thi kéo chữ "Thái Bình", diễn tích "Cờ lau tập trận" với sự tham gia của 11 đội tuyển, thu hút hàng trăm em học sinh của các trường THCS trên địa bàn huyện Hoa Lư tham gia biểu diễn. Đây là hoạt động ngoại khóa bổ ích, giúp các em hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố Đô.

Rất đông du khách đến xem và cổ vũ màn cờ lau tập trận của các em học sinh tại lễ hội. Ảnh: Minh Quang

* Trong khi đó, trên dòng sông Sào Khê, sự sôi nổi, hào hứng của Hội thi chèo thuyền khéo do Hội Nông dân huyện Hoa Lư tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến xem và cổ vũ.

Hội thi chèo thuyền năm nay có sự tham gia của 3 đội tuyển đến từ các xã: Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải. Các đội thi trải qua 2 phần thi: Chèo thuyền nhanh bấm giờ và Chèo thuyền khéo lấy bóng. Chung cuộc, đội tuyển xã Trường Yên đạt giải nhất; đội tuyển xã Ninh Xuân đạt giải nhì và xã Ninh Hải đạt giải ba.

Hội thi chèo thuyền khéo diễn ra sôi nổi, hào hứng. Ảnh: Trường Giang

* Tại sân Lễ hội Hoa Lư, Bảo tàng Ninh Bình tổ chức trưng bày chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử" với hơn 400 tài liệu, hình ảnh và hiện vật nhằm giới thiệu về trang sử chói ngời của lịch sử dân tộc với sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư.

Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu những ảnh ảnh về di tích, danh thắng tiêu biểu tỉnh Ninh Bình, như: Cố đố Hoa Lư, Quần thể Danh thắng Tràng An, Khu Tâm linh Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu ngập nước và dự trữ sinh quyển Vân Long, Nhà thờ Phát Diệm…

Trưng bày chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử" tại lễ hội. Ảnh: Thái Học

Đây là hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phục vụ cán bộ và nhân dân trong tỉnh và du khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943- 2023), hướng tới kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023).

* Cũng trong Lễ hội Hoa Lư năm 2023 diễn ra hoạt động trưng bày các hiện vật, tuyên truyền và quảng bá giá trị khu di chỉ khảo cổ tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Tại nhà trưng bày có các hiện vật là vật liệu xây dựng, kiến trúc từ thời nhà Đinh, tiền Lê. Qua đó phản ánh sinh động công cuộc dựng nước và giữ nước, đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trụ sở hành chính của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X.

Khu di chỉ khảo cổ thu hút khá đông người dân và du khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

*Trong chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, gắn liền với lịch sử và văn hóa truyền thống của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Điển hình như màn biểu diễn Múa trống (huyện Yên Khánh), biểu diễn Cồng chiêng của huyện Nho Quan; các địa phương cũng đã mang đến Hội diễn văn nghệ quần chúng những làn điệu chèo, xẩm được viết lời mới…

Tiết mục hát xẩm của đoàn tuyển huyện Yên Mô. Ảnh: Minh Quang

Các tiết mục nghệ thuật có nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, sự phát triển không ngừng của những vùng quê mang diện mạo nông thôn mới và về vẻ đẹp đôn hậu của người dân Cố đô…

Tất cả các tiết mục đều được chuẩn bị và dàn dựng công phu từ trang phục, lối biểu diễn và nội dung tác phẩm, qua đó thu hút và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với đông đảo du khách về thăm quan trẩy hội. Các hoạt động văn nghệ sẽ còn được biểu diễn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Thái Học - Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/le-hoi-hoa-lu-nam-2023-hap-dan-du-khach-voi-nhieu-hoat-dong/d20230429145124355.htm