Lễ hội Ka tê của người Chăm ở Bình Thuận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hôm nay (4/4), Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa lễ hội Ka tê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ka tê là một lễ hội truyền thống lớn trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn, diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch hằng năm (nhằm vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch).

Đây lễ hội dân gian đặc sắc, nhằm tưởng nhớ các vị thần của người Chăm và tưởng nhớ tổ tiên, ông bà. Lễ hội Ka tê diễn ra trong không gian rộng lớn, bắt đầu từ các đền tháp sau đó lan tỏa về thôn, làng và cuối cùng đến mỗi gia đình người Chăm.

Phụ nữ Chăm làm bánh rừng - loại bánh truyền thống không thể thiếu trong lễ Ka tê

Phụ nữ Chăm làm bánh rừng - loại bánh truyền thống không thể thiếu trong lễ Ka tê

Các thanh thiếu niên với các loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm trong ngày hội Ka tê

Các thanh thiếu niên với các loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm trong ngày hội Ka tê

Đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận có hơn 8.300 hộ với trên 42.000 khẩu, sống tập trung ở 9 thôn xen ghép và 4 xã thuần. Trong đó, hơn một nửa người Chăm ở đây theo đạo Bà-la-môn.

Lễ hội Ka tê đã trở thành một sự kiện quan trọng của đồng bào Chăm ở Bình Thuận, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Chăm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá văn hóa Chăm đến với du khách trong và ngoài nước./.

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/le-hoi-ka-te-cua-nguoi-cham-o-binh-thuan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post935031.vov