Lễ hội kỳ yên đình Dĩ An: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang nhiều ý nghĩa
Ngày 2-2 vừa qua, 'Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An' ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An đã được ghi vào Danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 150/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Đây cũng là DSVH phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Dương đã được ghi nhận tính đến thời điểm này.
Nỗ lực để lễ hội được công nhận
Sau thời gian dài các đơn vị hữu quan và địa phương thu thập tài liệu, lập hồ sơ khoa học tham mưu Sở VHTT&DL trình cấp thẩm quyền xem xét, cuối cùng “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” đã được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết kết quả này có được từ quá trình nỗ lực của cả tập thể. Từ năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức triển khai nhiệm vụ tham mưu xây dựng hồ sơ khoa học “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” trình Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Trong quá trình thực hiện, Bảo tàng tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở VHTT&DL, sự phối hợp, hỗ trợ của Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Dĩ An, UBND phường Dĩ An và Tổ quản lý di tích đình thần Dĩ An.
Bên cạnh đó, để xây dựng hồ sơ khoa học bảo đảm chất lượng theo quy định của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ VHTT&DL, tập thể cán bộ, viên chức của Bảo tàng tỉnh đã có quá trình đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát, điền dã thực tế tại “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” để đúc rút ra những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu của lễ hội.
Ông Lê Văn Phước cho hay mặc dù kế hoạch thực hiện hồ sơ khoa học “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được đề ra vào năm 2021, nhưng ngay những ngày cuối năm 2020, đình Dĩ An tổ chức năm Kỳ yên đáo lệ. Lúc đó, cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh đã phối hợp cùng đoàn làm phim thực hiện phim tư liệu phản ánh đầy đủ các nghi thức đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của đình làng Nam bộ. Mặt khác, thời điểm thực hiện hồ sơ khoa học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến quá trình lập hồ sơ. Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực, quyết tâm và đầy trách nhiệm, tập thể viên chức Bảo tàng tỉnh đã tham mưu hoàn thành hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL.
Giữ gìn và phát huy giá trị
Mỗi DSVH đều chứa đựng những giá trị độc đáo riêng, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” - DSVH phi vật thể quốc gia vừa được ghi nhận là một lễ hội truyền thống có quy mô lớn, kéo dài, chứa đựng nhiều giá trị đặc trưng; có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người dân. Về giá trị lịch sử, theo ông Lê Văn Phước, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” phản ánh sâu sắc gốc tích tộc người, quá trình định cư người Việt trên mảnh đất Nam bộ. Đó là quá trình định cư, mở đất; quá trình dựng ấp, lập làng; xây miếu, dựng đình… Về giá trị văn hóa, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng dân gian, nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng và giải trí, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa của địa phương…
Bên cạnh đó, lễ hội còn chứa đựng giá trị cố kết cộng đồng, bởi đây là một hoạt động mang tính tập thể của cả cộng đồng (trung tâm là cư dân phường Dĩ An và các vùng lân cận). Trước, trong và sau ngày lễ, Ban Quý tế đình và người dân mỗi người một việc, bảo ban, chỉ dạy lẫn nhau; đồng thời đây cũng là dịp trao truyền những tri thức, kinh nghiệm của người đi trước cho thế hệ trẻ đi sau. “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” còn phản ánh sự giao lưu, hội tụ văn hóa, là minh chứng xác đáng nhất cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của vùng đất này. Các phong tục, tập quán của người miền Bắc, các nghi lễ của người miền Trung, tính cách, đặc trưng văn hóa của người miền Nam, nét văn hóa của người Hoa, người Chăm… đều thể hiện một sự giao lưu, hội tụ trên mảnh đất có nhiều thành phần tộc người định cư sinh sống.
Để giữ gìn, phát huy giá trị DSVH này, ông Lê Văn Phước cho biết tới đây Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp tổ chức lễ công bố nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với công đức các bậc tiền nhân, các thế hệ nghệ nhân địa phương đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc thực hành, sáng tạo, lưu truyền các giá trị văn hóa phi vật thể ở đình Dĩ An; đồng thời khẳng định sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Dĩ An, TP.Dĩ An trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Việc công bố này còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, khích lệ cộng đồng tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ di sản, đồng thời phát huy tính sáng tạo của các chủ thể đang nắm giữ, thực hành DSVH phi vật thể này; tuyên truyền, quảng bá lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời khen thưởng các cá nhân, tập thể đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát huy lễ hội Kỳ yên ở đình Dĩ An.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị DSVH “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”, Bảo tàng tỉnh sẽ thực hiện tư liệu hóa “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” một cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ; ghi lại tất các các hoạt động nghi lễ, lễ hội; lưu trữ phục vụ cho quá trình bảo vệ và phát huy tại đình Dĩ An nói chung và là tư liệu tham khảo cho các ngôi đình khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng. Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với Ban Quý tế đình Dĩ An tổ chức những lớp truyền dạy nghi thức cúng đình, nghi thức thực hành nghi lễ cho thế hệ trẻ nhằm trao truyền, lưu giữ những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, quảng bá loại hình di sản này trong đời sống nhân dân. Công tác tuyên truyền giới thiệu DSVH này cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá những giá trị tiêu biểu của di sản đến với mọi người. Bảo tàng tỉnh cũng sẽ kết hợp với ngành du lịch, ngành giáo dục - đào tạo gắn kết lễ hội vào điểm đến tham quan, chương trình giáo dục văn hóa truyền thống tại địa phương.