'Lễ hội lục nguyệt cầu phúc' của làng Tượng Sơn: Truyền đời niềm tin và khát vọng

'Lễ hội lục nguyệt cầu phúc' của làng Tượng Sơn (phường Ba Đồn) thường diễn ra từ chiều 17-18/6 âm lịch, nơi ánh trăng, tâm linh và cộng đồng gặp gỡ. Đây là lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống dân gian, lịch sử; nơi người dân vun đắp niềm tin để gửi gắm những ước vọng an lành cho gia đình, xã hội, hòa quyện cùng nhịp sống đương đại nhưng vẫn giữ vẹn nguyên cốt cách ngàn xưa.

“Lễ hội lục nguyệt cầu phúc” của làng Tượng Sơn không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng, mà còn là dịp hướng về tổ tiên, nguồn cội.

“Lễ hội lục nguyệt cầu phúc” của làng Tượng Sơn không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng, mà còn là dịp hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Làng Tượng Sơn là tên cổ thuộc phường Quảng Long cũ, phía Nam tiếp giáp với làng Phan Long (Ba Đồn), phía Tây ven theo dòng sông Mai (kênh Kịa) hiền hòa, thơ mộng, phía Đông tựa vào rừng cây, triền cát rộng mênh mông, phía Bắc giáp với làng Pháp Kệ (Quảng Phương cũ). Trước đây, làng Tượng Sơn có các xóm Thủy Sơn, Lâm Sơn, Trung Sơn, Tây Sơn và Vụng Nổ.

Sau năm 1954, do nhu cầu phân chia địa giới phù hợp với sản xuất, nên làng được chia thành: Thôn Thủy Sơn, Trường Sơn và Tiền Phong. Thôn Thủy Sơn chủ yếu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ ở chợ Ba Đồn, còn thôn Trường Sơn và Tiền Phong chủ yếu sản xuất nông nghiệp.

Làng Tượng Sơn có đình làng tọa vị trên khu đất cao nhìn về hướng Tây, phía trước là sông Mai (kênh Kịa), thuộc thôn Thủy Sơn. Theo tài liệu (di tích lịch sử đình làng Tượng Sơn), đình được xây dựng vào năm Canh Ngọ (1750) để thờ thành hoàng làng và sinh hoạt cộng đồng. Thành hoàng làng gồm các vị “tiền hiền” là các dòng họ Trần, Ngô, Nguyễn, Phạm; sau này thêm các vị “hậu hiền”, là những người có công với quê hương đất nước, với công cuộc “khai canh, khai khẩn” làng Tượng Sơn. Đình Tượng Sơn mang đầy đủ những giá trị và bản sắc văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, đồng thời mang dấu ấn riêng biệt về một làng quê gắn liền với danh nhân lịch sử-tướng Nguyễn Dụng thời Quang Trung- Nguyễn Huệ.

Năm 1771, phong trào Tây Sơn bùng nổ, Nguyễn Dụng người làng Đại Đan (Tượng Sơn) gia nhập nghĩa quân và được Nguyễn Huệ trọng dụng. Ông đã cùng với vua Quang Trung-Nguyễn Huệ đi suốt chiều dài lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, làm nên đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), quân ta đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Tướng Nguyễn Dụng được vua Quang Trung phong đến chức Thống chế Quận Công, sắc phong “Kim ấn” và ban cho làng Tượng Sơn câu đối: “Đệ nhất nghè thổ vương miếu cũ/Kim ấn ban phong Tượng Sơn thôn”. Với những đóng góp của tướng Nguyễn Dụng và đình làng Tượng Sơn trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 22/2/2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ký cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia “mộ Nguyễn Dụng và đình Tượng Sơn”. Năm 2017, được sự cho phép và hỗ trợ của Nhà nước, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, con em địa phương đã ủng hộ kinh phí trùng tu, tôn tạo lại đình làng.

Hàng năm vào chiều ngày 17/6 âm lịch, làng tổ chức rước các linh thần, Thành hoàng về an vị tại đình làng. Hội người cao tuổi lập ra ban tế lễ gồm: Chủ tế, bồi tế, nội tán, xướng tế... để thực hiện các nghi lễ. Chủ tế là người có uy tín trong làng, có trách nhiệm điều hành toàn bộ nghi lễ, đọc văn tế, sớ để cầu xin sự phù hộ của các vị thần. Bồi tế là người phụ giúp cho chủ tế trong việc dâng lễ theo đúng thứ tự.

Nội tán là người điều khiển về mặt hậu cần, nghi thức, ví dụ trang trí bàn thờ, sắp đặt cờ, lọng, trống, chiêng..., phân công từng người trong ban tế lễ. Xướng tế là người xướng từng phần, giữ nhịp điệu trang nghiêm cho toàn bộ buổi lễ. Những người này phải có uy tín, am hiểu về truyền thống văn hóa của làng, chu đáo, có kiến thức trong việc cúng tế để bảo đảm tính trang nghiêm và thành kính. Trong suốt quá trình hành lễ cầu an, tất cả các vị đều mặc phẩm phục chỉnh tề, phối hợp nhịp nhàng đúng theo nghi thức.

Tùy vào từng năm mà lễ hội có những chương trình phù hợp với tình hình thực tế. Thường thì tối 17/6 âm lịch, “Lễ hội lục nguyệt cầu phúc” của làng tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Có năm, ngoài các tiết mục truyền thống của các cụ cao tuổi, làng mời thêm câu lạc bộ Ca trù của làng Đông Dương, hát Kiều của làng Pháp Kệ (thuộc xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch cũ) về tham gia giao lưu, chung vui lễ hội. Khi ánh trăng đã lên cao, dòng sông Mai như bừng sáng trong muôn vàn ánh đèn hoa đăng. Người người cùng nhau thả những chiếc đèn nhỏ lung linh mang theo lời cầu mong an lành, may mắn, đất nước hưng thịnh, mùa màng tốt tươi, sự nghiệp hanh thông, phúc ấm mọi nhà.

Ngày 18/6 âm lịch, làng mở hội đua thuyền, nếu không thì tập trung cho chính lễ cầu phúc. Từ sáng sớm, các dòng họ và bà con làng Tượng Sơn chuẩn bị các mâm lễ vật, tùy điều kiện, lòng thành dâng cúng với những nét đặc sắc riêng. Dưới sự hướng dẫn của ban tế lễ, đại diện chính quyền địa phương, đại diện hội người cao tuổi, trưởng họ, trưởng thôn dâng hương làm lễ khai hội, khấn cầu tiên tổ, Thành hoàng và tướng Nguyễn Dụng; cầu mong “Quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kinh doanh buôn bán thuận lợi.

Trước bàn thờ nghi ngút khói hương, những lời khấn cầu được đọc bằng giọng chậm rãi, trầm ấm, như vọng lại từ quá khứ. Những cái lạy mang theo cả lòng thành kính; không gian trang nghiêm như để lắng nghe tiếng nói của đất trời, của tiền nhân, của những giá trị văn hóa thiêng liêng từ ngàn xưa truyền lại.

Trong tâm thức làng xã, “Lễ hội lục nguyệt cầu phúc” của làng Tượng Sơn không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng, mà còn là chữ “tín” hướng về tổ tiên, là cội nguồn sức mạnh. Đó là bản giao hưởng giữa lịch sử và tương lai cùng nhau vững vàng đi qua mọi thăng trầm của thời đại, là mạch nguồn văn hóa đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân.

Dù xã hội hiện đại có thay đổi thế nào, thì với người dân nơi đây, tháng 6 âm lịch vẫn là khoảng thời gian thiêng liêng để hướng về nguồn cội. Như cây lúa phải có đất, có nước để sinh sôi, thì hồn quê làng Tượng Sơn cũng cần “Lễ hội lục nguyệt cầu phúc” để tiếp nối, để nảy nở, để thăng hoa, để truyền đời những niềm tin và khát vọng!

Trần Đình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/le-hoi-luc-nguyet-cau-phuc-cua-lang-tuong-son-truyen-doi-niem-tin-va-khat-vong-195582.htm