Chuông chùa Ngũ Hộ
Quả chuông này có sức sống mãnh liệt. Quả chuông chùa Ngũ Hộ sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Quả chuông sẽ có vai trò kêu gọi nền hòa bình mãi mãi cho Việt Nam, cho Nhật Bản, cho thế giới.
Tác giả: Nguyễn Văn An
Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
Tại Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh hiện đang trưng bày quả chuông đồng mang ký hiệu BTBN 434, được đặt trên giá gỗ hình trụ vuông, cao 173cm, rộng 100cm. Quả chuông này có nguồn gốc từ chùa Ngũ Hộ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX) do sự hưng công đóng góp của 5 hộ gia đình thuộc 2 làng Ngọc Đôi và Kim Đôi (nay thuộc phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1945, quân đội Nhật chiếm Bắc Ninh, sử dụng chùa Ngũ Hộ làm xưởng gỗ. Sau khi bại trận, quân lính vơ vét của cải, trong đó có chiếc chuông mang về nước.
Cuối năm 1977, Watanabe Takuro - luật sư, nhà sưu tập đồ cổ - nhìn thấy chuông treo tại một tiệm đồ cổ ở Ginza, Tokyo. Chủ tiệm cho biết chuông do một sĩ quan bán lại. Sau khi nghiên cứu phần minh văn, Takuro bất ngờ khi phát hiện đó là chuông quý của chùa Ngũ Hộ ở Việt Nam. Ông muốn mua lại để trao trả về nước. Chủ tiệm ra giá 9 triệu yên (1,5 tỷ đồng) - con số lớn thời bấy giờ. Watanabe Takuro rút toàn bộ tiền tiết kiệm để đặt cọc, tìm cách huy động tiền mua chuông.

Chuông chùa Ngũ Hộ khi còn ở Nhật Bản - Ảnh: Sưu tầm
Watanabe Takuro tổ chức “Cuộc vận động trao trả lại chuông cho Việt Nam”, mời nhà sư Onishi - trụ trì chùa Kiyomizu-dera, sư Fujii - trụ trì chùa Nipponzan Myohoji, nhà văn Matsumoto Seicho đứng ra kêu gọi. Chương trình nhằm quyên góp 7 triệu yên (1,2 tỷ đồng) đến hết tháng 1/1978, với mong muốn kịp hồi hương chuông về Việt Nam vào dịp Tết Âm lịch. Dù không kịp thời gian dự kiến, sau vài tháng, tổ chức thu được tổng số tiền 9,6 triệu yên (1,7 tỷ đồng). Chủ tiệm cũng giảm giá hiện vật xuống còn 5 triệu yên (875 triệu đồng). Trước khi cổ vật hồi hương, nhiều nơi ở Tokyo, Kyoto, Nara, Osaka và Kobe tổ chức lễ cầu nguyện cho chuông.
Ngày 14/06/1978, lễ trao trả chuông cho Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Khi ấy, chùa Ngũ Hộ bị tàn phá trong chiến tranh, chưa được tu sửa lại(1), Hội hữu nghị Việt Nhật và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất gửi chuông về chùa Bút Tháp. Sau này, chuông được đưa về Bảo tàng Hà Bắc (nay là Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh) lưu giữ và bảo quản trong kho.
Chuông có kích thướccao toàn bộ 102cm (riêng quai cao 33cm), màu nâu đỏ, đường kính miệng 47cm, chu vi thân 120cm. Quai chuông là một đôi bồ lao, đấu lưng vào nhau, 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên đỡ quả hồ lô. Bồ lao có đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, vây, đao lửa, mũi to, miệng há rộng ngậm ngọc, thân và chân có vẩy. Vai chuông hơi vuông, thân phình, miệng loe rộng, gờ miệng giật cấp. Toàn thân chia làm 8 ô (4 trên, 4 dưới), ngăn cách giữa các ô là những đường chỉ nổi (gân chuông) gồm 5 đường ngang và 5 đường dọc, đường ở giữa to hơn hai đường bên cạnh. Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) có 4 núm đánh đối xứng nhau, hình tròn nổi cao, đường kính 9 cm, mỗi núm đính 23 hạt tròn (hạt lựu). Trên vai chuông khắc chìm 4 chữ Hán lớn trong khung hình lá đề cân (mỗi chữ 1 ô) nội dung: 五户寺 鍾 ‘‘Ngũ Hộ tự chung’’, có nghĩa là: Chuông chùa Ngũ Hộ.

Chuông trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh - Ảnh: Tác giả cung cấp
Ngoài ra toàn bộ 4 ô lớn phía trên thân chuông khắc kín bài minh chữ Hán, tất cả khoảng hơn 2.000 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ nét. Nội dung bài minh ghi chép trên thân chuông nói rõ lý do đúc chuông và ghi khắc toàn bộ tên họ khoảng 300 người công đức tiền của dùng vào việc đúc chuông, đoạn đầu bài minh cho biết:
Nguyên văn chữ Hán:
重鑄五户寺鍾銘 慈山府武江金玉之鄉有五户寺寺有鍾傾遭兵燹
化作青錢有中間復鑄至乙酉年貳月日尋爲緣林客
常去宣鯨雊雉梵尽寒聞維丙戌年五月日鄉中樂善 成有意於修復時天開府知府阮公正室阮氏並五户 官員鄉老及社村善信等者私貲口公勸見者間者翁 然集施銅錫既半戊子年重買及諸人舊銅共弍謝叁 宴是歲十二月十九日之且鑄成超見甬非苦洗聲不 狌賓蒲牢热吼習國遥聞寫祥旱集百福騈臻一家及 百千萬億家家尽慶五户至貃河汶數户户皆春大功 德大數卧與天地同高厚同悠乆矣時余蒙淂七旬致 寺禪僧字法灵求鎔文因洗濯澟雪冠墨华之雲霧驅 蜆滴之波濤遂勒于鍾以永其傳云
明命玖年歲次戊子十二月十九日 原任天開府知府阮仲恪撰
Phiên âm:
Trùng chú Ngũ Hộ tự chung minh.
Từ Sơn phủ, Võ Giàng, Kim, Ngọc chi hương hữu Ngũ Hộ tự, tự hữu chung khuynh tao binh tiển hóa tác thanh tiền trung gian phục chú. Chí Ất Dậu niên nhị nguyệt nhật tầm vi duyên lâm khách thường khứ tuyên kình cẩu trĩ phạn tận hàn văn. Duy Bính Tuất niên ngũ nguyệt nhật hương trung lạc thiện thành hữu ý ư tu phục. Thời Thiên Khai phủ Tri phủ Nguyễn công, chính thất Nguyễn Thị tịnh Ngũ Hộ quan viên, hương lão cập xã thôn thiện tín đẳng giả, tư ti khẩu công khuyến kiến giả, gian giả ông nhiên tập thí đồng tích kí bán. Mậu Tý niên trùng mãi cập chư nhân cựu đồng cộng nhị tạ tam yến, thị tuế thập nhị nguyệt thập cửu nhật chi thả chú thành. Siêu kiến dũng phi nhược tẩy thanh bất tính tân, bồ lao nhiệt hống tập quốc dao văn, tả tường hạn tập bách phúc biền trăn, nhất gia cập bách thiên vạn ức gia, gia tận khánh. Ngũ Hộ chí mạch hà vấn số hộ, hộ giai xuân đại công đức, đại số ngọa dữ thiên địa đồng cao hậu, đồng du cửu hỹ. Thời dư mông đắc tầm thất tuần, trí tự thiền tăng tự pháp linh cầu dung văn nhân tẩy trạc, lẫm tuyết quan mặc hoa, chi vân vụ khu hiện tích, chi ba đào toại lặc vu chung dĩ vĩnh kỳ truyền vân.
Minh Mệnh cửu niên tuế thứ Mậu Tý thập nhị nguyệt thập cửu nhật.
Nguyên nhậm Thiên Khai phủ Tri phủ Nguyễn Trọng Khác soạn.
Tạm dịch:
“Các làng Kim, Ngọc(2), huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn có ngôi chùa Ngũ Hộ, chùa từng có chuông nhưng do gặp nạn binh lửa đã bị phá hủy dùng làm thanh tiền(3), do vậy phải đúc lại quả chuông khác. Đến tháng 2 năm Ất Dậu(4) do duyên cớ khách thường xuyên lui tới [chùa] nhưng luôn cảm thấy thiếu vắng âm thanh của cá kình, chim trĩ(5) khiến chốn thanh tịnh trở nên lạnh giá. Tháng 5 năm Bính Tuất(6) trong làng vui vẻ cùng nhau làm việc thiện có ý muốn đúc lại chuông. Khi ấy, có vị Nguyễn Công giữ chức Tri phủ phủ Thiên Khai(7) và chính thất (vợ cả) Nguyễn Thị, cùng các vị Quan viên, Hương lão, các vị thiện tín của thôn, xã rủ nhau cùng hai ông bà góp tiền của, tập hợp đồng, thiếc đã được một nửa. Đến năm Mậu Tý(8) mọi người mua được thêm đồng mới cùng với số đồng cũ cộng lại được 2 tạ 3 yến, đến ngày 19 tháng 12 năm đó, công việc đúc chuông được hoàn thành. Tựa như nhìn thấy vượt qua sức mạnh, tiếng vang được rửa sạch, nghe thấy âm thanh bồ lao vang xa khắp nước, mọi việc được viết ra rõ ràng, trăm phúc cùng đến, mọi nhà cùng như một, nghìn vạn nhà đều vui mừng. Từ Ngũ Hộ mạch sông là cửa ngõ, các hộ tốt tươi lập công đức to lớn, ngồi sánh ngang cùng trời cao đất dày, lâu dài vững bền vậy. Nay tìm được thời đã tới thất tuần(9)! Các vị thiền tăng trụ trì bản tự luôn tuân theo khuôn phép, linh ứng diệu kỳ, [chuông] dù có bị nấu chảy nhưng vẫn sáng tỏ, mọi việc đều được nghiêm chỉnh, áo mũ tốt tươi, mưa gió rõ ràng từng giọt, sóng lớn mênh mông thỏa thích, bèn khắc vào chuông lưu truyền mãi vững bền vậy”.

Chùa Ngọc Đôi được xây dựng trên một phần đất của chùa Ngũ Hộ xưa - Ảnh: Sưu tầm
Chuông được đúc vào ngày 19 tháng 12 năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 9 (1828). Soạn nội dung bài minh khắc trên chuông là Nguyễn Trọng Khác, nguyên nhậm Tri phủ phủ Thiên Khai.
Tháng 09/2012, dịp kỷ niệm 35 năm chuông hồi hương, ông Watanabe sang Việt Nam dự lễ cầu nguyện vì hòa bình hữu nghị. Khi ấy, ông đã 89 tuổi, đi lại khó khăn phải di chuyển bằng xe lăn. Đánh tiếng chuông ở Bảo tàng Bắc Ninh, Watanabe từng nói: “Quả chuông này có sức sống mãnh liệt. Quả chuông chùa Ngũ Hộ sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Quả chuông sẽ có vai trò kêu gọi nền hòa bình mãi mãi cho Việt Nam, cho Nhật Bản, cho thế giới. Mỗi tiếng chuông ngân vang là một lời cầu nguyện nền hòa bình mãi mãi cho thế giới chúng ta.”; “Hãy vang xa đến toàn thế giới. Chính lúc này đây, tiếng chuông chùa Ngũ Hộ, tiếng chuông cao quý vì hòa bình”.
Tác giả: Nguyễn Văn An - Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
***
Chú thích:
(1) Vào những năm 1950, chùa Ngũ Hộ đã bị quân Pháp phá đi và sau đó trường học được xây ở đây.
(2) Nay là khu phố Kim Đôi, Ngọc Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
(3) Thanh tiền là một loại tiền cổ lưu thông dưới thời phong kiến.
(4) Tức là năm 1825.
(5) Âm thanh (tiếng kêu) của chuông.
(6) Tức là năm 1826.
(7) Hiện chưa rõ ngày nay thuộc tỉnh nào?
(8) Tức là năm 1828.
(9) Ngụ ý nói khi việc đúc chuông hoàn thành đã 70 tuổi!
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chuong-chua-ngu-ho.html