Lễ hội Mợi của đồng bào Mường Phù Yên

Đồng bào Mường ở Phù Yên có các làn điệu dân ca, các lễ hội truyền thống, trong đó có Lễ hội Mợi được tổ chức vào dịp đầu xuân, mong ước tạo không khí phấn khởi để bước vào vụ sản xuất mới thắng lợi, mùa màng bội thu.

Tái hiện Lễ hội Mợi tại xã Mường Thải (Phù Yên).

Tái hiện Lễ hội Mợi tại xã Mường Thải (Phù Yên).

Đồng bào dân tộc Mường chủ yếu sinh sống ở vùng dọc sông Đà của huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ. Huyện Phù Yên có gần 50 nghìn người dân tộc Mường sinh sống tập trung ở các xã vùng Mường, xã ven sông và một số xã thuộc cánh đồng Mường Tấc. Lễ hội Mợi đã có từ lâu, nhưng không được tổ chức thường xuyên nên cũng mai một dần. Vào các năm 2004 và 2017, huyện Phù Yên phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức phục dựng Lễ hội Mợi tại các xã Huy Tân và Mường Thải, nhằm từng bước phục hồi nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch đến Phù Yên.

Theo ông Triệu Tiến Phương, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Phù Yên, cho biết: Lễ hội Mợi xuất phát điểm từ xã Mường Bang, Mường Thải. Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng, Lễ hội Mợi được lan tỏa sang các vùng Mường Do, Mường Lang, Tân Lang, Huy Thượng... Hiện nay, Lễ hội Mợi được tổ chức trong 3 ngày (rút ngắn 4 ngày so với trước đây). Với ý nghĩa cầu bình an, mùa màng bội thu.

Lễ hội Mợi gồm: Phần lễ và phần hội, được tổ chức đan xen nhau. Từ sáng sớm, thầy Mợi và các con nuôi chuẩn bị mâm lễ cúng. Vào Lễ, thầy Mợi dùng lời hát đang, hát ví truyền thống của người Mường mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian; sau đó mời tổ tiên bên nội, tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi, cùng với tổ mợi về hưởng lễ, hương hoa, phù hộ cho con cháu, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, bản mường no ấm. Sau khi cúng xong Tổ Mợi, các con nuôi mang các mâm lễ đến để dâng lên tạ ơn thầy Mợi. Sau đó, thầy Mợi tiếp tục làm lễ cầu cho các con nuôi của mình khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra. Kết thúc, thầy Mợi sẽ báo cáo với tổ tiên Mợi rằng dân bản đã vui lễ hội xong, xin phép dùng điệu múa trầu tiễn tổ tiên Mợi về trời.

Phần hội, các điệu múa được thể hiện, gồm: Múa xòe, múa khăn, múa trầu, múa kiếm, múa trồng bông dệt vải... Các điệu múa này vừa thể hiện tập quán truyền thống, vừa thể hiện các lễ nghi nông nghiệp. Những người tham gia cầm các ống tre xuống và gõ vào nhau, thổi khèn bè tạo nền nhạc rộn ràng cho các điệu múa. Vừa múa, thầy Mợi vừa đi vòng quanh các con nuôi và bà con dân bản; bà dùng khăn quàng vào cổ mọi người để mời bà con vào cùng múa với thầy mợi và các con hầu. Điệu múa Mợi của người Mường vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, say sưa. Bên cạnh điệu múa là các trò chơi được diễn ra, như: kéo co, đánh chuyền, đánh quay, nhảy lò cò, chơi bi, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh yến... Các trò chơi dân gian diễn ra hào hứng, vui vẻ, thu hút được mọi lứa tuổi cùng tham dự.

Ông Đinh Đức Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, thông tin: Để duy trì và bảo tồn nét văn hóa độc đáo Lễ hội Mợi, xã Mường Thải đã chỉ đạo ban quản lý các bản thường xuyên tổ chức cho các đội văn nghệ luyện tập các điệu múa truyền thống của dân tộc Mường. Kết hợp với đó là, dạy, truyền lại cho thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn các điệu múa truyền thống. Đồng thời, tham khảo ý kiến của các cụ cao niên trong xã về cách sắp xếp, tổ chức và các phần lễ được thực hiện khi cúng Mợi. Hiện nay, số lượng người cao tuổi trên địa bàn xã còn nắm chắc về Lễ hội Mợi không nhiều, vì vậy, chúng tôi sẽ khẩn trương thu thập ý kiến của các cụ, trên cơ sở đó phác thảo chi tiết nhất về các bước trong lễ cúng Mợi hàng năm.

Lễ hội Mợi của dân tộc Mường tuy có quy mô không lớn, nhưng mang ý nghĩa nhân văn và cộng đồng trong đời sống văn hóa. Phục dựng Lễ hội, người dân được đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, hướng tới xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tạo sức lan tỏa.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/le-hoi-moi-cua-dong-bao-muong-phu-yen-45464