Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 khép lại với những con số đầy ấn tượng
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã kết thúc với những con số ấn tượng, trở thành sự kiện cộng đồng có sức hút lớn nhất tại Hà Nội. Trong 12 ngày diễn ra lễ hội, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu….
Tối ngày 28/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã chính thức bế mạc tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Tham dự buổi lễ có Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Đặng Thị Phương Hoa cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố Hà Nội.
Với chủ đề "Dòng chảy", Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 28/11, tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô, tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.
Hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; ga Long Biên và ga Gia Lâm. Bên cạnh đó còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận huyện thị xã tại Hà Nội. Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành cùng chương trình.
Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm. Lễ hội tập trung vào chủ đề chính "Dòng chảy" nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo ban tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã mang lại mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, hội nghị, hội thảo diễn ra tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người. Trong đó, nhiều hoạt động phong phú đã được người dân đánh giá cao như: Tổ chức không gian nghệ thuật tại Tháp nước Hàng Đậu, tổ chức tuyến tàu "Hành trình di sản", hành trình thời trang Hà Nội "Sáng tạo từ di sản"…
Tuy lần đầu tiên một lễ hội diễn ra ở xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện của lễ hội đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước. Trong 12 ngày diễn ra lễ hội, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu.
Cùng với đó, lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Đồng hành với lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm; 90 cơ quan báo chí với hơn 1000 tin, bài viết về lễ hội. Còn theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 12 ngày diễn ra lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Qua đó, có thể khẳng định, quy mô, các hoạt động của lễ hội đã tạo hiệu ứng lớn. Bên cạnh các hoạt động, sự kiện nằm trong chương trình tổ chức, lễ hội còn hấp dẫn nhiều tổ chức, cá nhân khác đến tham gia các hoạt động sáng tạo. Điển hình như, khóa nghệ thuật trực tiếp dành cho trẻ đặc biệt "Khám phá dòng chảy" do doanh nghiệp xã hội Tòhe, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và SOVICO cùng chủ trì tổ chức; chương trình nghệ thuật cồng chiêng "Ngẫu hứng đại ngàn" do các nghệ nhân Bahnar và Jrai (tỉnh Gia Lai) trình diễn...
Thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 chính là sự đóng góp tâm huyết của các đơn vị tổ chức, chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo, các bạn sinh viên, tình nguyện viên, đội ngũ vệ sinh môi trường, các công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm,…
Tất cả cùng nhau đồng hành để tạo nên sân chơi sáng tạo, kết nối các nhà sáng tạo đem lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc sắc. Thông qua đó, khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau, hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Tại lễ bế mạc, ban tổ chức đã vinh danh các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội./.