Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022: 'Sáng tạo và công nghệ'
Tối 11/11, tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.
50 hoạt động với 21 không gian sáng tạo nghệ thuật
Ngay từ khi mặt trời “đi ngủ”, toàn bộ không gian đi bộ hồ Gươm được trang hoàng một tấm áo mới sáng tạo, ấn tượng, lộng lẫy, kiêu sa đầy quyến rũ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 với chủ đề "Sáng tạo và công nghệ" là sự kiện được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo và thực hiện bởi Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Lễ hội là không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng với những sản phẩm được thiết kế đa dạng, sáng tạo cùng những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu văn hóa Thủ đô trình diễn đầy ấn tượng.
Không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, Lễ hội còn là nơi để các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân thăng hoa trong cảm xúc, thoải mái thể hiện những ý tưởng sáng tạo.
Với gần 50 sự kiện, hoạt động, Lễ hội quy tụ 21 không gian sáng tạo nghệ thuật; gần 50 nghệ sĩ tham gia triển lãm, sắp đặt, trưng bày; gần 300 nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn; gần 50 đơn vị, tổ chức, cộng đồng sáng tạo; 8 tọa đàm, hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của gần 30 diễn giả.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của Việt Nam.
Trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào có được sự kết hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những Thành phố có cơ cấu dân số vàng, cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo gồm các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo…
Do đó, Hà Nội đã và đang có đầy đủ tiềm năng, lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả; Đồng thời tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO… và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhằm thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy Thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là việc ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực “Chương trình mục tiêu Thành phố về bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn”;
Các dự án, công trình văn hóa trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, Đền thờ Ngô quyền, Thành Cổ Loa; Các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Thành phố cũng đang tích cực, kiên trì, sáng tạo, với quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - là 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng của Thành ủy (khóa XVII); trong thực hiện đúng lộ trình cam kết quốc tế khi Hà Nội - trở thành “Thành phố sáng tạo” của UNESCO gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử, đồng thời thúc đẩy phát triển giá trị văn hóa mới.
Từ Thành phố Vì hòa bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, Hà Nội đã không ngừng mở rộng tầm nhìn để trở thành Thủ đô sáng tạo và xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa năng động qua những sáng kiến bao trùm và hợp tác công tư.
Đó là lý do UNESCO rất vui khi được chung tay với lãnh đạo Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, một nền tảng cho các tài năng thuộc khắp các lĩnh vực tụ hội lại để cùng hợp tác và phát triển.
Lễ hội cũng là một cách đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội. Ông Christian Manhart nhấn mạnh, các cá nhân sáng tạo của Việt Nam đang một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo của họ có thể đóng góp cho việc dựng xây thành phố vì lợi ích cho mỗi công dân nơi đây.
Tại Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội được giao nhiệm vụ triển khai 3 sự kiện điểm nhấn.
Triển lãm Trưng bày giới thiệu sản phẩm thiết kế sáng tạo, do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 11-13/11 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ.
Đồng thời, triển lãm sẽ sắp đặt các gian hàng, không gian trưng bày sản phẩm thiết kế, sáng tạo; tạo những không gian văn hóa giới thiệu các sản phẩm và ứng dụng của nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại.
Các không gian trưng bày tại triển lãm gồm: Không gian thiết kế và cuộc sống – Nghệ nhân Việt Nam; Không gian thiết kế mây tre lá tự nhiên; Không gian thiết kế lụa thêu và thời trang; Không gian thiết kế sản phẩm gốm, gỗ và sơn mài; Không gian thiết kế bảo tồn sản phẩm thủ công; Không gian thiết kế sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu; Không gian thiết kế quà tặng OCOP; Không gian các gian hàng giới thiệu thiết kế của các doanh nghiệp (40 gian, lấy ý tưởng Sóng nước Sông Hồng).
Triển lãm Không gian thiết kế bền vững do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 11-13/11, tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm có quy mô 300 - 350m2, trưng bày và giới thiệu các ý tưởng thiết kế sáng tạo với chủ đề "Thiết kế bền vững", hướng tới phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, tái chế; các sản phẩm thời trang kế thừa tính truyền thống văn hóa nhưng lại được sử dụng dưới góc nhìn hiện đại và đi theo xu hướng thời trang hiện hành.
Tọa đàm Kinh nghiệm thiết kế phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra lúc 9h00-11h30 ngày 15/11/2022 tại Trung tâm tinh hoa Làng Việt, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.
Tham dự sự kiện sẽ có 100-150 đại biểu, là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến, chuyên gia nghiên cứu, các nhà thiết kế, các trường đại học liên quan đến lĩnh vực thiết kế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề,...
Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ thảo luận, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, đưa yếu tố thiết kế vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 là cơ hội để tôn vinh, quảng bá các nguồn lực sáng tạo và văn hóa của Thủ đô. Qua sự kiện này, Thành phố Hà Nội kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội - từ Thành phố Vì hòa bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO.