Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 có gì?

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ được tổ chức từ 17-26/11 tại 17 quận, huyện của thành phố. Khối lượng sự kiện dày đặc (trên 60 sự kiện) và các địa điểm diễn ra hoạt động là điểm nhấn của toàn bộ lễ hội. Vậy sự kiện năm nay có gì đặc biệt?

Với chủ đề "Dòng chảy", lễ hội năm nay tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo, nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuyến trải nghiệm của lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông Hồng qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Một số điểm nổi bật ở Lễ Hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 phải kể tới:

Tháp nước Bốt Hàng Đậu

Tháp nước Hàng Đậu hay còn được người dân thủ đô gọi với cái tên thân thuộc là bốt Hàng Đậu được người Pháp xây dựng vào năm 1894, nằm tại ngã 6 của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.

Trước khi tháp nước được xây dựng, người Hà Nội chỉ chủ yếu dùng nước giếng đào hoặc từ các ao hồ xuất hiện dày đặc trong thành phố. Những năm 1894, nhiều đợt dịch bệnh lớn liên quan đến ô nhiễm nước đã diễn ra tại thành phố, làm ảnh hưởng tới rất nhiều dân sinh sống tại đây.

Sau sự ra đi của Paul Bert (một chính trị gia người Pháp) vào năm 1896, Tháp nước Hàng Đậu cũng được ra đời với mục đích cung cấp nước sạch cho người dân.

Từ một công trình lâu đời, không sử dụng nhiều năm, các kiến trúc sư đã cải tạo, sắp đặt thành một không gian nghệ thuật và lần đầu tiên sẽ mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 31/12.

Không gian lung linh của Bốt Hàng Đậu sau khi cải tạo. Ảnh: Fanpage Lang thang Hà Nội

Không gian lung linh của Bốt Hàng Đậu sau khi cải tạo. Ảnh: Fanpage Lang thang Hà Nội

Kế hoạch mở cửa Bốt Hàng Đậu trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 kỳ vọng sẽ hồi sinh lại một công trình đã cũ với 130 năm tuổi. Lễ hội mở cửa miễn phí cho tất cả người dân ở mọi độ tuổi. Du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống âm thanh nước diễn ra tại tháp nước Hàng Đậu.

Toa tàu hỏa và Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Lịch trình trải nghiệm tuyến tàu "Hành trình di sản". Ảnh tàu hỏa: Group Chuyện của Hà Nội

Lịch trình trải nghiệm tuyến tàu "Hành trình di sản". Ảnh tàu hỏa: Group Chuyện của Hà Nội

Từ ngày 18/11 - 26/11, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ bố trí riêng 2 đôi tàu là LH3, LH4, LH5, LH6 để phục vụ du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội với giá vé 20.000 đồng/người. Tour nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, 4 công trình kiến trúc, 16 triển lãm,17 hội thảo nghệ thuật, 9 tọa đàm, hội chợ,…

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Lễ hội có trải nghiệm đi tàu hỏa - phương tiện kết nối độc đáo các điểm đến trên hành trình trải nghiệm lễ hội, mang đến cho khách tham quan những cảm xúc mới lạ và lý thú. Chuyến tàu sẽ xuất phát từ ga Long Biên, với chặng di chuyển xuyên qua cầu Long Biên trên con sông Hồng lịch sử, ngắm nhìn cuộc sống và phong cảnh tuyệt đẹp từ khung cửa sổ toa tàu trước khi tới ga Gia Lâm để thỏa thích trải nghiệm các hoạt động tại đây.

Từ khu vực tháp nước Hàng Đậu qua cầu Long Biên và khu vực bãi giữa sông Hồng sẽ là nơi diễn ra nhiều sự kiện như: diễu hành áo dài bằng xe đạp, chạy bộ với chủ đề "Theo dòng chảy Di sản", hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, trưng bày, triển lãm…

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là hoạt động do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thực hiện. Năm nay, chương trình còn có Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc UN-HABITAT và nhiều đơn vị khác cùng tham gia tổ chức.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-2023-co-gi-203540.htm