Lễ hội trái cây lần thứ nhất tại Bắc Kinh: Tinh hoa 'tứ quý mỹ vị' Việt Nam hội tụ
Với những tinh hoa đặc sắc 'Tứ quý mỹ vị', thông qua lễ hội sẽ góp phần đưa trái cây của Việt Nam tiệm cận thị trường tỷ dân.
Hướng tới xuất khẩu trái cây bền vững
Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất ở Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ diễn ra sáng ngày 29/9/2024. Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 145,07 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 53,9 tỷ USD, tăng 18,7% và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 91,1 tỷ USD, tăng 22,3%. Ngược lại, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ và nhập khẩu từ nước này có giá trị 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Thực tế cho thấy, hoạt động thương mại trong thời gian qua của Việt Nam và Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trái cây Việt Nam phần nhiều còn xuất khẩu qua đường biên mậu, tiểu ngạch và trực tiếp vào các tỉnh phía Nam Trung Quốc có biên giới tiếp giáp với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam là chính. Để phát triển xuất khẩu bền vững và tạo điều kiện xúc tiến tiêu thụ trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, ngày 29-30/9, Bộ Công Thương đồng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ hội trái cây lần thứ nhất tại Thủ đô Bắc Kinh, cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Lễ hội trái cây lần thứ nhất tại Thủ đô Bắc Kinh với chủ đề “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon” (phiên âm Hán Việt là: Việt Nam Thủy quả – Tứ quý mỹ vị”) với dụng ý về đẳng cấp trái cây Việt Nam bốn mùa thơm ngon, có khẩu vị, hương vị đặc trưng so với những loại trái cây không được trồng ở khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù như ở Việt Nam.
“Việc tổ chức lễ hội sẽ góp phần đưa trái cây của Việt Nam tiệm cận thị trường có nhu cầu tiêu dùng cao. Sự tham gia của các sản phẩm lần này chủ đạo là các mặt hàng trái cây cao cấp. Với thông điệp, thể hiện sự đẳng cấp, tinh tế, sang trọng từ thiết kế không gian trưng bày đến chất lượng sản phẩm. Theo đó, chúng tôi mong muốn đem những tinh hoa đặc sắc nhất của Việt Nam tiếp cận vào thị trường Trung Quốc” – bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt sang thị trường 1,4 tỷ dân
Lễ hội trái cây lần thứ nhất tại Thủ đô Bắc Kinh là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng với thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng củ, quả tươi và sản phẩm chế biến từ củ, quả đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Cụ thể, 12 loại trái cây của Việt Nam hiện đang đứng ở tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng, dừa. Trong số này, sầu riêng đang là mặt hàng có thế mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,69 tỷ USD; trong đó, sầu riêng là ngành có sức tăng trưởng ấn tượng nhất khi đem về 2,3 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, lượng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy xuất khẩu cũng ghi nhận có sự tăng mạnh.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia Lễ hội trái cây năm nay, đánh giá về ý nghĩa của Lễ hội, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, tham gia lễ hội, công ty mang đến những sản phẩm chủ lực như sầu riêng tươi (Dona, Ri6, Musangking, Black Thorn), các loại sản phẩm dừa tươi (dừa trọc, dừa kim cương, dừa khoen, dừa easay open), chanh dây, các sản phẩm sầu riêng đông lạnh và sầu riêng sấy thăng hoa, đều là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
“Lễ hội này là cơ hội để không chỉ Chanh Thu Group mà tất cả các doanh nghiệp nông sản Việt Nam khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc – một thị trường chiến lược. Chúng tôi kỳ vọng việc tham gia Lễ hội lần này sẽ mang lại cơ hội mở rộng mối quan hệ kinh doanh, kết nối với các đối tác tiềm năng tại Trung Quốc. Đồng thời, có thể giúp cho sản phẩm trái cây Việt Nam nói chung và trái cây mang thương hiệu Chánh Thu nói riêng tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu, từ đó khẳng định chất lượng của trái cây Việt Nam trên thị trường Quốc tế” – bà Ngô Tường Vy nói.
Bắc Kinh là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc, là thị trường có giá trị cao và nhu cầu lớn. Theo các chuyên gia, việc tổ chức Lễ hội trái cây tại Thủ đô Bắc Kinh nhằm quảng bá thương hiệu, hình ảnh về trái cây nhiệt đới ngon, bổ dưỡng của Việt Nam, sẽ thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế. Đây sẽ là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương. Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội, kinh nghiệm tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở các địa phương trung nguyên, phía Bắc của Trung Quốc nhằm kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường này.