Lễ hội Tràng An năm 2025 'Tràng An-Di sản ngàn năm, hồn thiêng sông núi'
Với chủ đề 'Tràng An-Di sản ngàn năm, hồn thiêng sông núi', sáng 13/4 (ngày 16/3 âm lịch), Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Ban Quản lý Danh thắng Tràng An long trọng tổ chức Lễ hội Tràng An năm 2025 tại Khu du lịch sinh thái Tràng An-Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Nghi thức rước rồng trên sông Sào Khê.
Về dự lễ hội, lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi thức rước nước.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ hội.

Các đại biểu dự Lễ hội.

Các đại biểu dự Lễ hội.

Các đại biểu dự Lễ hội.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình dự lễ hội có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng đông đảo người dân, phật tử và du khách thập phương.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai hội.
Lễ hội Tràng An là nơi giao thoa và kết nối các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người dân Ninh Bình nhằm tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương-Người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà ; cảm tạ ân đức của Ngài đã phù trợ, giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo truyền thuyết, ngài là một trong ba anh em-ba vị tướng đã được phong Thánh (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam (thuộc Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời Hùng Vương thứ 18.

Đoàn rước rồng từ cổng Tam Quan tiến về Tràng An.
Lễ hội Tràng An năm 2025 có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, hấp dẫn: tại không gian lễ hội-trên dòng sông Sào Khê đã giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, rực rỡ sắc màu, mang đậm đặc trưng của các vùng miền thông qua các sân khấu thực cảnh trình diễn các loại hình nghệ thuật: hát chèo, hát xẩm, hát văn, đàn tính, cồng chiêng… của các nghệ nhân, nghệ sỹ trong tỉnh và các tỉnh bạn tham gia biểu diễn.

Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội. Ảnh: Minh Đường
Tham dự lễ hội, các đại biểu và đông đảo du khách trong nước, quốc tế đã vượt qua hơn 5 km đường thủy, xuyên qua các hang động trên dòng sông Sào Khê cử hành các nghi thức rước rồng, rước kiệu, rước nước, tế lễ tại đền Suối Tiên - nơi tôn thờ Đức Thánh Quý Minh Đại Vương.
Đền nằm ở thượng nguồn Suối Tiên giữa một vùng sơn thủy hữu tình, từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng, linh thiêng thuộc Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Lễ hội cũng là dịp để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.

Các loại hình nghệ thuật của các vùng miền được biểu diễn trên sông.
Lễ hội được tổ chức nhân kỷ niệm 11 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, tiếp tục tôn vinh chiều sâu lịch sử và giá trị trường tồn của Quần thể danh thắng Tràng An, khơi dậy truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc của bao lớp thế hệ người dân cùng các giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng mang bản sắc riêng của một Kinh đô cổ giữa lòng Di sản, hướng tới xây dựng Hoa Lư trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa, du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, lá phổi xanh và là cực tăng trưởng của Đồng bằng Bắc Bộ.


Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Ảnh: Minh Đường