Lễ hội truyền thống đình, chùa Cao Đà
Trong hai ngày (22 - 23/3), UBND xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) tổ chức lễ hội truyền thống đình, chùa Cao Đà năm 2025.

Các đoàn dâng hương tế lễ tại Lễ hội đình, chùa Cao Đà.
Lễ hội diễn ra với các phần lễ và phần hội, như: Rước kiệu thánh, dâng hương, tế lễ và các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, đua thuyền chải… thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự.
Khu di tích đình và chùa Cao Đà trước kia thuộc thôn Đồng Đình, xã Cao Đà, huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân; nay thuộc thôn Mỹ Đà, xã Nhân Mỹ (Lý Nhân). Theo tư liệu được lưu giữ, đình Cao Đà, xã Nhân Mỹ được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII. Đình thờ 5 vị Thành hoàng làng là những tướng tài thời An Dương Vương: Nam Hải Đại vương, Câu Mang Đại vương, Nguyễn Du Dược, Nguyễn Phổ Tế và quan hành khiển Trương Hán Siêu. Đây đều là các vị trung thần có công giúp vua giữ yên bờ cõi, dạy dân Cao Đà khai khẩn đất đai, chăm lo chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề mộc, ổn định cuộc sống. Cùng với đình, chùa Cao Đà cũng là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo với không gian thờ tự là hệ thống tượng pháp và đồ thờ bằng gỗ giá trị. Bên cạnh những giá trị tâm linh, đình và chùa Cao Đà còn là cơ sở cách mạng thời kỳ chống Pháp, nơi tin cậy để các cán bộ tiền bối, các đảng viên từ trung ương, địa phương về nằm vùng hoạt động, theo dõi tình hình địch, lãnh đạo tổ chức thành công các phong trào cách mạng.

Đoàn tế lễ tại Lễ hội đình, chùa Cao Đà là các cụ cao niên trong làng.
Với những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, năm 1996, đình, chùa Cao Đà được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Để ghi nhớ công lao của các vị đại thần, hằng năm vào ngày 23, 24 tháng 2 âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức Lễ hội truyền thống để tri ân các vị Thành hoàng, Thánh mẫu, tổ nghề của làng.
Lễ hội truyền thống đình, chùa Cao Đà không chỉ là nét đẹp truyền thống văn hóa của địa phương, mà còn giúp người dân có thêm niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Đây cũng là dịp để giáo dục cho các thế hệ lòng tự hào dân tộc; sự biết ơn, thành kính đối với các bậc tiền nhân, những người đã có công giúp dân, giúp nước, từ đó nỗ lực, cố gắng hơn trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước đổi mới.